Cải cách tư pháp năm 1950 và vị trí của hoạt động thi hành án dân sự

(PLO) -Năm 1949- 1950, đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, dựa trên cơ sở nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tòa án phải “hướng hẳn về quyền lợi của nhân dân” và là “một công cụ của chính quyền nhân dân, một công cụ chiến đấu cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất đã dân chủ hóa hoạt động tư pháp, đặt nền móng cho sự ra đời của “nền tư pháp nhân dân”.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2016.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2016.

 Từ cải cách tư pháp năm 1950 mang lại hai sự sự thay đổi căn bản trong hoạt động THADS.

1. Vài nét về cuộc cải cách tư pháp năm 1950

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các Tòa án đã góp phần trấn áp bọn phản cách mạng một cách mạnh mẽ, góp phần tích cực bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng tổ chức của các Tòa án còn mang “những dấu vết của Tổ chức tòa án tư sản”, “chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng pháp lý tư sản”, một số Tòa án đã “thi hành luật cũ, bảo vệ quyền tư hữu tuyệt đối của thiểu số và thực hiện sự bóc lột đối với nhân dân lao động”.

Vì vậy, các Tòa án giai đoạn này được đánh giá là có “khuynh hướng tách rời công tác xét xử với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền nhân dân”.

Năm 1949- 1950, đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn Tổng phản công.

Lý luận về xây dựng chính quyền nhân dân trên cơ sở nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin yêu cầu “loại bỏ không khoan nhượng đối với mọi hình thức của chế độ bóc lột”, Tòa án phải “hướng hẳn về quyền lợi của nhân dân” và là “một công cụ của chính quyền nhân dân, một công cụ chiến đấu cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

Trên cơ sở đó, cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất đã dân chủ hóa hoạt động tư pháp, đặt nền móng cho sự ra đời của “nền tư pháp nhân dân”.

Cụ thể hóa chủ trương này, về luật nội dung, Sắc lệnh số 97-SL Cải cách quyền dân sự ngày 22-5-1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký khẳng định “Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân”, các Tòa án có thẩm quyền “Hủy tiêu khế ước khi một bên lập ước lợi dụng sự chênh lệch về địa vị kinh tế giữa hai bên, sự túng quẫn của người lập ước bên kia mà bóc lột người đó”.

Như vậy, các quan niệm cho rằng quyền dân sự (quyền sở hữu, quyền của chủ nợ đối với con nợ…) không còn có tính tuyệt đối mà nó chỉ được bảo vệ nếu “đúng với quyền lợi của nhân dân”. Ngành Tư pháp có trọng trách lớn lao là bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua việc loại bỏ mọi hình thức người bóc lột người.

Về luật thủ tục, Sắc lệnh 85-SL ngày 22-5-1950 Cải cách bộ máy tư pháp và luật Tố tụng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký khẳng định sự ra đời của một thiết chế tư pháp mang tính chất nhân dân hơn, cách mạng hơn mang với tên gọi “Tòa án nhân dân”. Chế định hội thẩm nhân dân ra đời thay thế chế định Phụ thẩm nhân dân tại Sắc lệnh số 13 trước đây với thành phần đa số và quyền hạn ngang với thành phần chuyên môn. Việc xử án không còn chỉ thuần túy là công việc chuyên môn, là sản phẩm độc quyền của Thẩm phán mà đó là hoạt động của nhân dân.

Nhìn chung, cải cách tư pháp năm 1950 mang lại những kết quả rõ rệt, “các Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ kháng chiến và bảo vệ việc thực hiện những đường lối, chính sách của cách mạng”.

2. Vị trí của hoạt động THADS trong cải cách tư pháp năm 1950

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tạm thời giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam Bộ nếu “không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hòa”, hoạt động thừa phát lại tiếp tục được duy trì cho đến năm 1950.

Đồng thời, Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 cũng quy định Ban Tư pháp có quyền thi hành những mệnh lệnh của Thẩm phán cấp trên, bao gồm cả bản án, quyết định của Tòa án.

Như vậy, trong những năm đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, tổ chức hoạt động THADS đã được hình thành và tồn tại song song hai lực lượng là Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã. 

Đến năm 1950 do tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến, Tờ trình ban hành Sắc lệnh số 97-SL Cải cách quyền dân sự ngày 22-5-1950 của Bộ Tư pháp nhận định “Sắc lệnh ngày 10-10-1945 có tạm giữ để thi hành những pháp điển cũ dưới thời Pháp thuộc, trong khi chờ đợi sự ban hành những bộ luật mới cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Từ ngày ký sắc lệnh ấy tới nay với thời gian và sự biến đổi mau chóng của tình trạng xã hội Việt Nam, do cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thúc đẩy, các pháp điển cũ dần bị vượt bước bởi sự tiến hóa chung, và một số điều khoản trong các bộ luật ấy trở nên lạc hậu, phải trái quá rõ rệt với tinh thần mới và sự tiến bộ của toàn dân.

Vì lẽ đó, trong khi chờ đợi toàn bộ dân pháp điển mới được ban hành, Bộ Tư pháp xét thấy cần đề nghị lên Chính phủ và Quốc hội dự án một sắc lệnh sửa đổi cấp bách một số quy lệ và chế định trong dân luật cũ và đặt những nguyên tắc mới thay vào”.

Tờ trình Sắc lệnh số 85-SL ngày 22-5-1950 cải cách bộ máy Tư pháp và luật Tố tụng của Bộ Tư pháp tiếp tục nhận định “Việc cải cách có mục đích làm nhẹ bộ máy Tư pháp để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “Thủ tục tố tụng cần được hợp lý hơn và giản dị hơn” và “Để có thể giải quyết mau chóng những việc cấp bách về mặt Hộ, tránh sự thiệt hại cho đương sự và khỏi tổn phí cho đương sự phải lên Tòa án tỉnh, cần giao cho Tòa án nhân dân huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân huyện”.

Cùng với sự ra đời của thiết chế dân chủ, tiến bộ là Tòa án nhân dân và với quan điểm nêu trên, Điều 19 Sắc lệnh số 85-SL quy định:

“Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hoặc tòa án trên đã tuyên.

Việc phát mại bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do tòa án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một thẩm phán huyện để việc phát mại đó vừa có lợi cho chủ nợ”.

Như vậy, cải cách tư pháp năm 1950 mang lại hai sự sự thay đổi căn bản trong hoạt động THADS. Thứ nhất, thẩm phán thay thế thừa phát lại và Ban tư pháp xã thực hiện hoạt động THADS. Thứ hai, hoạt động THADS từ chỗ căn cứ vào yêu cầu của đương sự đã trở thành nhiệm vụ, trách nhiệm của chế độ, Nhà nước nhân dân, Tòa án chủ động thi hành án mà không chờ yêu cầu của người được thi hành án.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội luật gia Việt Nam (1975), Pháp lý phục vụ cách mạng, tr.66, 67.

2. Trần Công Tường (1950), Tập bài viết về công tác tư pháp năm 1950, tại Thư viện Bộ Tư pháp, ký hiệu: V10400.

3. Việt Nam Dân quốc Công báo số 6 năm 1950, tr.134.

4. Viện Khoa học pháp lý (1999), Tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự-Thực trạng và Phương hướng đổi mới, tr.36.

Đọc thêm