Giáo sư Christ Elliott, đến từ Đại học Queen’s ở Belfast, người đứng đầu nhóm chuyên gia ví các loại thịt chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói... đang trở thành "cái chết hồng" do các chất mà nhà sản xuất cho vào sản phẩm.
Ông cho biết chất nitrites được sử dụng trong sản xuất các loại thịt chế biến này sẽ chuyển hóa thành nitrosamines trong quá trình sử dụng. Chất này giúp thịt trông hồng hào, tươi ngon nhưng lại được các nghiên cứu chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư.
Các nhà khoa học lên án rằng cách sản xuất này khiến các món thịt chế biến cực kỳ phổ biến nói trên phải chịu trách nhiệm lớn trong số 6.000 ca tử vong do ung thư ruột mỗi năm tại Anh, vốn gấp 3 lần số ca tử vong do tai nạn. Do cách sản xuất dùng nitrites phổ biến trên toàn thế giới nên nguy cơ này phủ bóng lên một số lượng lớn người trên thế giới, những ai có dùng thịt chế biến.
Ngoài việc kêu gọi thay đổi trong cách chế biến sản phẩm, các nhà khoa học cũng yêu cầu một cảnh báo rõ ràng về nguy cơ ung thư trên các loại thịt chế biến theo cách này, giống như cảnh báo về thức ăn nhiều đường hay chất béo.
Đây không phải là lần đầu các nhà khoa học chứng minh thịt chế biến chứa chất tăng nguy cơ ung thư hoặc ít ra là liên quan đến căn bệnh. Trong năm vừa qua, Đại học Glasgow công bố phát hiện rằng phụ nữ giảm tiêu thụ thịt chế biến sẽ giảm tỉ lệ ung thư vú; trong khi Đại học John Hopkins cảnh báo mối liên hệ giữa nitrites và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một cảnh báo tương tự rằng thịt chế biến chứa nitrites – nitrosamines liên quan đến 34.000 trường hợp ung thư đại trực tràng trên toàn thế giới mỗi năm.