Cái đẹp dưới góc nhìn phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Umberto Eco chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn học và lý luận đương đại. Ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực: ký hiệu học, triết học, mỹ học, văn học, phê bình văn học, dịch thuật, phê bình dịch thuật. Ông tham gia giảng dạy và thuyết trình tại nhiều trường đại học danh tiếng như Yale, Cambridge, Oxford và Harvard.
Sách Lịch sử cái đẹp.
Sách Lịch sử cái đẹp.

Cái đẹp không bất biến

Trong khuôn khổ “Những ngày văn học châu Âu năm 2023”, Đại sứ quán Ý và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam đã phối hợp tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách “Lịch sử cái đẹp” với sự tham gia của 3 vị khách mời là nhà nghiên cứu, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên và đạo diễn Đỗ Văn Hoàng.

Thời trung cổ, cái đẹp gắn liền với yếu tố thần học, với chủ nghĩa biểu tượng trong ánh sáng và màu sắc. Thời kỳ phục hưng, cái đẹp gắn với hình ảnh các quý phu nhân, những phụ nữ - thiên thần, những bài ca mục đồng và những kẻ hát rong.

Tới thế kỷ XX cái đẹp lại có thể tìm thấy trong những vật thể chứa đựng yếu tố nhân tạo như sắt, thủy tinh…

Theo Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, Umberto Eco là một người toàn tài, ông là nhà văn, nhà lý luận, triết gia và cũng là một nhà ký hiệu học lừng danh. Sự toàn tài này của ông đã được thể hiện rõ trong nội dung của cuốn sách. Ở đây tác giả đã dày công khảo cứu sự biến chuyển của cái đẹp từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay từ đó hé mở cánh cửa của sự đẹp dưới quan điểm của thời đại.

Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nếu chỉ đọc phần lời bình của tác giả thì dễ hiểu, nhưng cái khó khi tiếp cận tác phẩm chính là ở phần trích dẫn uyên bác, cô đọng. Để khám phá “mê cung” này, theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy cần có “sợi chỉ đỏ”. Chìa khóa để mở cánh cửa bước vào cuốn sách là hai từ khóa lịch sử và cái đẹp.

Cái đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, mà mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho cái đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên), mà cả cái đẹp tâm linh, ý niệm, đấng cứu thế hay thần thánh. Bởi vậy, theo dòng thời gian, cuốn bách khoa thư lịch sử cái đẹp của Umberto Eco sẽ đưa chúng ta đi từ thời Hy Lạp cổ đại tới tận ngày nay, để hé mở cánh cửa của sự đẹp dưới quan điểm của thời đại. Lịch sử cái đẹp của Umberto dày công khai phá một chủ đề khó: Cái đẹp dưới góc nhìn của phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay.

Người nghệ sỹ mở ra thế kỷ 21

Trong cuốn bách khoa thư đồ sộ với hơn 200 bức tranh và tiểu họa, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang. Và một khối lượng lớn những bài luận của Eco, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học với nỗ lực kiến giải phạm trù cái đẹp đa diện nhất.

Đó là lý tưởng thẩm mỹ thời Hy Lạp cổ đại, phác họa khái niệm sơ khởi của con người đương thời về cái đẹp là một thứ thường gắn liền với các môn nghệ thuật thể hiện nó và chưa có vị thế thống nhất: trong các bản tụng ca. Cái đẹp được thể hiện bằng sự hài hòa của vũ trụ, trong thơ ca, nó được thể hiện qua kích thước tương ứng và sự đối xứng giữa các bộ phận.

Còn trong thuật hùng biện, nó được thể hiện qua nhịp độ phù hợp. Cái đẹp như là tỷ lệ và sự hài hòa, thể hiện ở các yếu tố như: cân đối về số học, hài hòa về nhịp điệu âm nhạc, hợp lý về tỷ lệ trong kiến trúc dưới góc nhìn của hình học không gian và biểu tượng học. Eco cũng đánh giá tầm quan trọng của tỷ lệ đối với thẩm mỹ ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đi đến kết luận rằng ở mỗi thời kỳ, tỷ lệ lý tưởng lại mang một định nghĩa khác: nếu như ở thời Hy Lạp cổ lý tưởng là tỷ lệ chính xác giữa các bộ phận thì tỷ lệ tiêu chuẩn của người Ai Cập phải liên quan tới toàn bộ kết cấu, tỷ lệ giữa các bộ phận phụ thuộc vào cử động của cơ thể, sự thay đổi của phối cảnh. Giai đoạn này cũng sinh ra những khái niệm về tỷ lệ hoàn hảo có tác dụng đến tận ngày hôm nay trong các lĩnh vực mỹ thuật cũng như thiết kế như tỷ lệ vàng hay sự tương phản giữa các mặt đối lập.

Bức tranh Nàng Mona-lisa. (Ảnh TL).

Bức tranh Nàng Mona-lisa. (Ảnh TL).

Mặc dù tồn tại tới tận ngày nay một định kiến phổ biến rằng Trung cổ là một thời đại “tối tăm”, “thời đại đen tối” thì người Trung cổ lại tự coi mình sống trong một môi trường đầy ánh sáng. Điều này phần nào thể hiện qua thơ và hội họa đương thời. Eco đã sử dụng màu sắc để kể câu chuyện về đời sống Trung cổ: màu sắc sáng rọi của Chúa, màu sắc rực rỡ và xa xỉ của người giàu (phản ánh chân thực sự thật rằng kỹ thuật nhuộm màu rực rỡ ở thời đó vô cùng đắt đỏ). Sự gắn liền với màu sắc mà thiên nhiên ban tặng của những người nghèo khó, màu sắc trong thơ ca và thần bí học cùng với màu sắc trong cuộc sống thường nhật...

Các phần còn lại của cuốn bách khoa thư được Umberto Eco dành cho ba giai đoạn quan trọng: Thế kỷ 18, thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Thế kỷ 18 đánh dấu sự đổi mới của chủ nghĩa Cổ điển và Tân cổ điển, thể hiện rõ ràng nhất trong các tác phẩm hội họa hay kiến trúc. “Kiến trúc Anh thế kỷ 18 thể hiện trước hết tính trang nhã điều độ và khiếu thẩm mỹ tốt, khẳng định bước đi tách biệt hoàn toàn khỏi các dư thừa của Baroc”.

Nhắc đến cái đẹp của thế kỷ 19, tác giả đi sâu vào cái đẹp lãng mạn trong chủ nghĩa lãng mạn, cái đẹp trong tôn giáo và những cái đẹp mới. Chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, lịch sử ghi nhận những đối tượng đẹp mới mẻ và đột phá hơn, có thể kể đến là cái đẹp từ sắt và thuỷ tinh (như Tháp Eiffel ở Paris hay Toà nhà pha lê của Joseph Paxton), nghệ thuật deco, cái đẹp từ kiến trúc “hữu cơ”.

Umberto Eco cũng chỉ rõ một vấn đề của thời đại để chúng ta tự vấn: Từ thế kỷ 20, dễ nhận thấy rằng thế giới đang chuyển mình để trở thành một nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải “ngon - bổ - rẻ” và được sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc cái đẹp mới có thể được tái tạo dễ dàng, nhưng cũng mang tính tạm thời và dễ hư hỏng. Liệu tính chất sản xuất hàng loạt có phải là số phận của cái đẹp trong thời đại tái tạo kỹ thuật của nghệ thuật?

Trước câu hỏi cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới có đúng không? Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng bày tỏ, ở phần cuối dành cho thế kỷ 20 nhưng ông viết khá ngắn - cái đẹp không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà mở ra thế kỷ mới đầy sáng tạo. Cái đẹp làm chúng ta thoải mái dễ chịu nhưng không nhất thiết chúng ta muốn chiếm hũu nó. Như sự bình yên trước cơn bão. Như vẻ đẹp choáng ngợp buổi bình minh.

Dưới góc nhìn của đạo diễn Đỗ Văn Hoàng, nghệ thuật không tuyên bố cho đạo đức đúng sai mà khi nghệ sỹ trở thành người sáng tác tự do mở ra thế kỷ 21. Ví dụ người Ý phát triển rực rỡ thời Phục hưng nhưng mở ra những triển lãm đương đại rất lớn, lịch sử không phải thời nào thời ấy được “đóng gói” xong xuôi… Cũng như chúng ta nói đùa rằng, nếu người ngoài hành tinh nhìn xuống thế kỷ của chúng ta sẽ thấy cái đẹp của sự hỗn loạn.

Cái đẹp đi về đâu? Khi quy luật đi qua rồi chúng ta mới nghiệm ra và đi theo hệ thống. Không có lịch sử duy nhất và khách quan, mà chỉ có những diễn ngôn khác nhau. Cái đẹp có tính chất tương đối và luôn biến đổi. Mỗi thời đại bổ sung thêm sắc thái màu sắc.

Umberto Eco (1932 - 2016) được tờ Los Angeles Times đánh giá “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta”.

Tên tuổi của Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tên của đóa hồng” - xuất bản lần đầu năm 1980. Cuốn sách đã trở nên nổi tiếng toàn cầu và được dịch sang 47 ngôn ngữ, bán được hơn năm mươi triệu bản.