"Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết”.
Tại phiên họp toàn thể buổi chiều nay, do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, các đại biểu đều thống nhất với đề xuất trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, căn cứ vào các văn kiện của Đảng và tình hình thực tiễn của đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị 7 định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về: chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; tổ chức bộ máy nhà nước; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Theo đó, về chế độ chính trị, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp. Khẳng định nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Về vấn đề này, cần phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện và cơ chế dân chủ trực tiếp.
Việc sửa đổi cũng dựa trên quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ quan thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp chặt chẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước.
Theo đó, Hiến pháp phải phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Các đại biểu cho rằng Hiến pháp là nền tảng bảo đảm cho tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần quan tâm đến tính hệ thống, tính nhất quán, ổn định lâu dài của Hiến pháp. “Để bảo đảm Hiến pháp có chất lượng tốt, có hệ thống, tính nhất quán cao thì phải tổng kết, hệ thống hóa pháp luật” - đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói.
Đề cập đến 4 bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, nếu như Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp của thời kỳ lập quốc thì Hiến pháp năm 1992 được coi là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới phát triển đất nước. Tuy là đổi mới toàn diện đất nước nhưng lại chủ yếu đổi mới về chế độ kinh tế, văn hóa, quyền và nghĩa vụ công dân, còn bộ máy quản lý nhà nước vẫn giữ cơ bản như cũ. Do vậy, theo đại biểu Quyền, cơ bản nhất là phải tập trung sửa đổi quy định về bộ máy nhà nước.
Chính phủ với tính chất là cơ quan hành chính cao nhất sẽ được thể hiện ở những phương diện gì, đây là vấn đề cần phải được làm rõ được. Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, vậy quyền lực giám sát của Quốc hội đến đâu? Phải làm rõ được vấn đề quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, các đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh)… đều cho rằng cái gốc cần sửa đổi Hiến pháp lần này vẫn là tổ chức nhà nước. “Cần tập trung công sức vào sửa đổi về tổ chức nhà nước, làm rõ quyền lực nhà nước”, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.
Theo đại biểu, chúng ta nói quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân nhưng lại nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vậy thì người dân quyết cái gì, ở đâu, cần quy định rõ cái nào dân quyết, phải dung hòa tính chất dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
Đại biểu này cũng cho rằng chúng ta đang vướng về cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước. Tổ chức bộ máy nhà nước Trung ương cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để phân quyền nhưng không lạm quyền. Tổ chức chính quyền địa phương phải nâng cao được tính chất tự chủ.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh đến việc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hoàn thiện cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước, bổ sung quy định và làm rõ hơn nội hàm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy thống nhất với các đại biểu về việc sửa đổi tổ chức bộ máy nhà nước, song, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng đây chỉ là một trong những vấn đề trọng tâm chứ không phải lần này chỉ nên tập trung sửa đổi tổ chức bộ máy mà phải nghiên cứu toàn bộ các vấn đề của Hiến pháp.
Nhiều vấn đề đặt ra như sở hữu (nhất là đất đai), các quyền cơ bản của công dân cũng cần được nghiên cứu... Bên cạnh đó, cũng còn có nhiều ý kiến băn khoăn về thời gian tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp, thành phần của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phạm vi sửa đổi Hiến pháp. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị một cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được thuyết minh giải trình trong phiên họp bế mạc trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Trong quá trình nghiên cứu triển khai, phải tiến hành tổng kết việc thi hành Hiến pháp, các nghị quyết liên quan của Đảng mới có thể biết được nội hàm phạm vi sửa đổi toàn diện hay không.
Theo kế hoạch sơ bộ, tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 sẽ được triển khai từ tháng 8/2011-3/2012. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2013.
Theo TTXVN