Cái kết đắng của biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa

(PLO) -Từ năm 1961 đến 1963, CIA tiếp tục chỉ đạo Việt Nam Cộng hòa đưa biệt kích xâm nhập miền Bắc Việt Nam bằng đường không theo “Kế hoạch Trở lại”. Nhưng cuối cùng, kết quả mà Phòng 45 nhận được là những thất bại nối dài mà không rõ lý do.
Cố vấn Mỹ và chỉ huy Liên đoàn 77 hoạch định kế hoạch tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc.
Cố vấn Mỹ và chỉ huy Liên đoàn 77 hoạch định kế hoạch tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc.

Đúng 22h ngày 27/5/1961, sau khi đã được tiếp nhiên liệu, Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc C47 từ Đà Nẵng bay ra vịnh Bắc Bộ, hướng về phía Ninh Bình rồi bay qua không phận các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, băng qua sông Đà.

Đến cao điểm 828, Nguyễn Cao Kỳ bật đèn xanh, cho đẩy những thùng đồ tiếp tế ra phía cửa sau và toán Castor cũng nhảy theo. Tại cao điểm 885, Trung sĩ Hà Văn Chấp, trưởng toán Castor, ra lệnh tháo dù và tập hợp lại. Họ xuôi xuống chân đồi, cách 1 bản gần đó chừng 1km.

Đi về hướng Nam 9km là sông Đà; thêm 10km nữa là quốc lộ số 6. Tại đây, toán biệt kích Castor có nhiệm vụ cung cấp tin tức về hoạt động chuyển quân của đối phương trên quốc lộ 6, qua Sầm Nưa của Lào. 

Điện văn đầu tiên

12h ngày 29/6/1961, nghĩa là khoảng một tháng sau khi xâm nhập, toán Castor gửi đi bức điện văn đầu tiên. Họ được Sài Gòn khích lệ và hứa sẽ thả dù tiếp tế trong vòng bốn ngày sau. Chiều 1/7/1961, sau khi nạp thêm nhiên liệu tại phi trường Đà Nẵng, chiếc C47 chở đồ tiếp tế bay theo lộ trình đã thả toán biệt kích Castor.

Khi đến Hòn Ne, cách bờ biển Ninh Bình khoảng 5km, chiếc C47 bị phát hiện và bị hỏa lực phòng không của Bắc Việt Nam bắn trúng, rơi xuống một cánh đồng rộng khoảng 20ha. 7 biệt kích bị bắt, trong đó có phi công Phan Thanh Vân. Tin này chính thức được Hà Nội công bố trên đài phát thanh và các tờ báo của Bắc Việt Nam. 

Ngày 2/6/1961, toán biệt kích thứ hai gồm 3 người (mật danh Echo) được chiếc C47 của VIAT chở từ Đà Nẵng bay ra Bắc Việt. Sau khi vòng qua vĩ tuyến 17, đến không phận tỉnh Quảng Bình, toán biệt kích Echo được lệnh nhảy dù xuống vùng rừng núi phía bắc làng Trúc khoảng 5km.

12 ngày sau, toán biệt kích thứ ba (mật danh Dido), gồm 4 quân nhân gốc người dân tộc Thái đen rời sân bay Đà Nẵng, nhảy dù xuống gần quốc lộ số 6, khoảng giữa tỉnh lộ và đường dẫn đến huyện lỵ Tuần Giáo, do thám lượng xe cộ của Bắc Việt đến Tuần Giáo, nhất là lưu lượng xe đi về Điện Biên Phủ, qua Tây Trang để sang Lào.

Tiếp đó, ngày 20/2/1962, Phòng 45 lại cho toán biệt kích Europa gồm 5 biệt kích quân người Mường xâm nhập vùng Hòa Bình. Nhóm này đã gửi báo cáo về Sài Gòn đến mục tiêu an toàn và liên lạc được với nhóm Castor.

Lực lượng biệt kích dù được CIA huấn luyện
Lực lượng biệt kích dù được CIA huấn luyện

Ở thời điểm này, Phòng 45 cho chiếc C54 bí mật chở đồ tiếp tế đến Sơn La theo yêu cầu của nhóm Castor. Tuy nhiên, chiếc C54 gặp một cơn giông lớn và bị rơi. Điều này khiến cơ quan tham mưu ở Sài Gòn và CIA tin rằng toán biệt kích Castor vẫn đang hoạt động. Trước tình hình ấy, CIA liên lạc với Đài Loan chọn, huấn luyện phi vụ bí mật xâm nhập Bắc Việt Nam.

Trong thời gian huấn luyện phi công Đài Loan, CIA và Phòng 45 đã chuẩn bị cho nhóm biệt kích kế tiếp xâm nhập miền Bắc. Toán mới này mang mật danh là Atlas, gồm bốn người quê ở Nghệ An. Toán biệt kích Atlas có nhiệm vụ xâm nhập địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là khu vực gần đường số 7. Cũng như toán Echo trước đây, Atlas sẽ do thám mức độ di chuyển của quân đội Bắc Việt qua đất Lào, đồng thời bắt liên lạc với hai linh mục công giáo nhờ giúp đỡ, che chở.

Chiều ngày 12/3/1962, toán Atlas lên đường cùng với phương tiện, vật chất bảo đảm, do hai chiếc trực thăng H34 đảm nhận, cộng với một chiếc hộ tống. Theo máy bay hướng dẫn, trực thăng thả toán biệt kích lúc trời nhập nhoạng tối xuống một ngọn núi sát biên giới Việt – Lào. Toán Atlas mặc bà ba đen, vũ trang tiểu liên Stern.

Sau này, theo lời một thành viên trong toán kể lại, sau ba ngày di chuyển về hướng đông Nghệ An một cách suôn sẻ, đến ngày thứ tư, toán biệt kích Atlas gặp một đứa trẻ: “Đứa trẻ biến vào rừng nhanh như chớp!” rồi lập tức lực lượng an ninh đến bao vây toán Atlas, một biệt kích quân trúng đạn, bỏ mạng tại trận. Trên đường chạy trở lại đất Lào, thêm một biệt kích quân nữa giẫm phải mìn, chết. Hai người còn lại không liên lạc được với Sài Gòn vì thời tiết xấu, cuối cùng bị bắt. 

Liên tục thả quân

Rút bài học kinh nghiệm xương máu này, CIA tiếp tục lên kế hoạch cho những chuyến thả biệt kích tiếp theo xuống lãnh thổ Bắc Việt Nam. Lần này CIA quyết định sử dụng loại máy bay C46, xuất phát từ căn cứ không quân Takhli của Thái Lan.

Họ sẽ được hai Đại úy Ron Sutphine và M. D. Doc Johnson bay trước hướng dẫn vào bãi thả dù. Toán kế tiếp mang mật danh Remus, gồm 6 biệt kích người dân tộc Thái đen. Cũng như toán Dido trước đây, gồm những biệt kích người dân tộc Thái đen, toán Remus sẽ nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu.

Để tránh bị lộ, toán Remus sẽ nhảy dù xuống khu vực gần biên giới Việt – Lào, rồi xâm nhập bằng đường bộ đến mục tiêu. Ngày 16/4/1962, sáu biệt kích quân nhảy dù xuống cách Điện Biên Phủ 15km về hướng Tây Bắc an toàn. Toán Remus tập hợp lại và năm hôm sau báo cáo về Sài Gòn rằng họ bắt đầu vượt biên giới, xâm nhập vào Bắc Việt. 

Sau khi thả toán Remus thành công, Phòng 45 quay trở lại làm việc với toán đầu tiên là Castor. Cuối tháng 4/1962, toán Castor được lệnh di chuyển từ sông Đà về phía nam, đến huyện Mộc Châu, Sơn La.

Tại đây, Castor sẽ nhận đồ tiếp tế cùng với toán Tourbillon xuống tăng cường. Không như những toán trước đây, toán Tourbillon gồm 4 dân tộc khác nhau; trong đó ít nhất có hai thành viên là người Kinh. Nhiệm vụ CIA giao cho toán Tourbillon cũng khác, không phải thu thập tin tức tình báo mà là tập kích, tấn công, phá hoại chớp nhoáng. 

Lực biệt kích dù của VNCH tại trung tâm huấn luyện Long Thành
Lực biệt kích dù  của VNCH tại trung tâm huấn luyện Long Thành

Toán Tourbillon sẽ nhảy dù xuống những ngọn đồi ở phía bắc huyện Mộc Châu, rồi di chuyển khoảng 6km về hướng nam, đến quốc lộ 6, dự định sẽ phá sập những chiếc cầu trên quốc lộ 6 để ngăn chặn đường tiếp tế của Bắc Việt từ Điện Biên Phủ cho Quân giải phóng Pathét Lào, để phần nào giảm áp lực bên Lào. 

Để đảm bảo kế hoạch, Phòng 45 tiếp tục tuyển chọn tình nguyện quân từ Liên đoàn Quan sát số 1, thời điểm đó đã đổi tên thành Liên đoàn 77. Có 7 người được chọn học lớp huấn luyện nhảy dù và chiến thuật biệt động.

Ngày 16/5/1962, toán biệt kích Tourbillon xuất phát bằng phương tiện máy bay, do những phi công Đài Loan lái. Đến điểm hẹn với toán Castor, những biệt kích quân toán Tourbillon nhảy dù xuống đất. Nhân viên truyền tin báo cáo về Sài Gòn rằng, toán đã đáp xuống mục tiêu an toàn. Phòng 45 tin tưởng rằng bãi đáp đã được toán Castor chuẩn bị và bảo vệ cẩn mật. 

Bốn ngày sau khi toán Tourbillon nhảy dù xuống Mộc Châu, toán biệt kích kế tiếp mang mật danh Eros lên chiếc máy bay C54, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến đi này phi công bay theo đường vòng qua đất Lào, xâm nhập không phận tỉnh Thanh Hóa, thả toán biệt kích chớp nhoáng rồi bay về. 

Xuống tới đất, toán Eros gom lại an toàn. Họ gồm 5 người thuộc sắc tộc Mường và Thái đỏ, cả hai sắc dân thiểu số trên đều sống ở phía tây tỉnh Thanh Hóa. Có điều đặc biệt là trong số các thành viên của toán có 3 người Mường, thì hai người là anh em, người thứ ba là anh em họ; hai người Thái là chú cháu. Phòng 45 hy vọng sợi dây liên hệ dòng tộc này sẽ làm cho toán gắn bó hơn và họ dễ dàng móc nối những người cùng sắc tộc khác. 

Sau ba tuần lễ trong rừng, vài người Thái trông thấy toán biệt kích. Hốt hoảng, toán Eros chạy lên hướng bắc. Mấy người Thái quay trở lại tìm thấy những vỏ lon đồ hộp lạ, không phải sản xuất ở miền Bắc nên báo công an địa phương. Trong khi đó toán Eros trên đường chạy đã gần cạn lương thực mà Sài Gòn lại đáp rằng do thời tiết xấu, chưa thể tiếp tế được.

Ngày 2/8/1962, một lần nữa họ bị dân làng phát giác và cuộc truy lùng lại tiếp diễn. Lần này Phòng 45 nhận được công điện khẩn của toán Eros rằng họ đang bị truy lùng. Ngày 29/9/1962, sau khoảng 2 tháng bị truy đuổi, toán biệt kích bị bao vây. Một biệt kích quân bị trúng đạn bỏ mạng, một người bị bắt. Ba người kia chạy thoát, rồi nhập vào toán dân Lào đi săn, nhưng vẫn bị phát giác, bị bắt giao nộp cho quân đội Bắc Việt Nam.

Theo thông tin mà Phòng 45 và CIA có được, trong suốt thời gian từ 1961 đến 1963, chỉ có 3 biệt kích bị Bắc Việt Nam bắt và đưa ra tòa xét xử trong tháng 11/1961. Có 4 biệt kích quân khác đã chết do trọng thương. Trước tòa, cả 3 biệt kích quân đều nhận tội xâm nhập tỉnh Hòa Bình... 

Đọc thêm