Cái kết “quả báo” cho những kẻ trộm cổ vật Chămpa

(PLO) - Chuyện những cổ vật bị lấy trộm “bỗng dưng” quay về với dòng tộc họ Trà đang sinh sống quanh khu Đồng Dương (Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam)… nghe hư hư thực thực như huyền thoại giữa đời thường.
Phật viện Đông Dương xưa (ảnh tư liệu người Pháp chụp trong một cuộc khai quật)
Phật viện Đông Dương xưa (ảnh tư liệu người Pháp chụp trong một cuộc khai quật)
Đặc ân cho hậu duệ?  
Sử sách ghi chép lại, một trong những hậu duệ của Vương quốc Chămpa là tộc người Trà. Thủy tổ của tộc Trà ngày nay là vị vua có tên Trà Hòa Bố Để. 
Hiện người Trà tại Đồng Dương có tổng 116 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Nhiều đời nay, họ sống quần tụ quanh khu phật viện.
Ông Trà Tấn Vụ (thôn trưởng thôn Đồng Dương) cho biết, thời còn nhỏ, ông và bạn bè cùng trang lứa vào khu tháp chơi hay chăn bò, luôn được cha mẹ căn dặn, tuyệt đối không được phóng uế, không trèo lên tượng, tháp và xâm phạm bất cứ thứ gì trong khu đất.Mùa hè, sim nở rộ quanh khu tháp, muốn ăn phải cầu khấn “xin”, sử dụng tại chỗ chứ không được đem về nhà. 
Giờ ông Vụ đã già, phật viện ngày càng hoang phế, nhưng ông vẫn nhớ rõ từng lời dặn trên, đồng thời truyền lại cho con cháu.
Đường vào kinh đô Phật giáo um tùm cỏ dại
 Đường vào kinh đô Phật giáo um tùm cỏ dại
Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cũng chung nhận định. Vị Chủ tịch xã cho hay, có nhiều chuyện rất khó lý giải, ví dụ nếu không phải người Trà vào Phật viện cắt cỏ về cho trâu, bò; thì không trâu bò nào ăn cỏ mọc tại đây. 
Người Trà cho rằng đó là đặc ân tổ tiên chỉ dành riêng cho hậu duệ của Vương quốc Chămpa xưa.
Một ví dụ khác liên quan đến những viên gạch làm nên tháp cổ Phật viện, chỉ có người Trà mới dám sử dụng và sử dụng được. Ông Túc kể, thời gian sau năm 1975, người dân trong khu vực hằng ngày kéo vào khu vực tháp cổ lấy cả gạch Chăm đem về xây dựng nhà cửa. 
Có hộ xây được nguyên ngôi nhà từ gạch ở đây mang về. Chỉ những ngôi nhà của người Trà là yên ấm, còn người thuộc họ khác, kiểu gì sau đó cũng gặp chuyện gở, đau ốm liên miên, phải mang gạch trả lại
Kẻ trộm gặp nạn 
Theo các tài liệu còn lưu giữ, vào đầu thế kỷ 19, khi người Pháp tiến hành những cuộc khảo cổ Phật viện Đồng Dương, nơi đây vẫn còn rất nhiều cổ vật bằng đá. 
Ông Trà Tấn Phúc, Phó trưởng Công an xã Bình Định Bắc xác nhận, vào năm 1975, dù chiến tranh tàn phá nhưng nhiều hiện vật vẫn còn nằm ngổn ngang. Bản thân ông thời đó, đi ngang qua khu Phật viện thường xuyên bắt gặp tượng phật đứng bằng đá (hình thù như tượng Bồ tát Tara) bày la liệt. Dân khắp nơi liều lĩnh trộm tượng. Thế nhưng sau một thời gian, cổ vật thường bất ngờ… trở về đúng vị trí cũ.
Câu chuyện về bức tượng “ông” voi đang được người tộc Trà (nhánh 2) lưu giữ tại nhà thờ họ là một ví dụ cụ thể. 
Từ năm 1990, bức tượng thường xuyên bị trộm dòm ngó, nhưng lần nào cũng vậy, như có linh tính mách bảo, người làng không hẹn lại lũ lượt đến khu Phật viện và nhờ đó chặn đứng cuộc trộm cắp. 
Vì lo lắng bức tượng cổ để giữa trời sẽ bị lấy cắp, năm 1993, người Trà xúm lại đưa bức tượng về để cạnh nhà thờ tộc. Dù được canh gác cẩn mật, nhưng một lần nữa “ông” voi suýt bị lấy mất. 
“Vào một đêm tối trời mùa hè năm 1994, một nhóm thanh niên khoảng chục người đi xe ô tô vào làng, tới trước nhà thờ tộc, họ nhảy xuống khiêng bức tượng. Dân làng chưa kịp phản ứng, điều kỳ lạ đã xảy ra. Cả nhóm thanh niên đông người, khỏe mạnh như vậy, song lại không tài nào nhấc hay lay chuyển được bức tượng. Bất lực, nhóm trộm bỏ đi”, vị Phó Trưởng công an xã cho hay.
Lối vào khu di tích Phật viện Đồng Dương
 Lối vào khu di tích Phật viện Đồng Dương
Ông Phúc kể thêm, thỉnh thoảng ông được người dân báo cáo việc bắt gặp người lạ tới khu Phật viện. Khi họ rời đi, ông vào kiểm tra, lại thấy những miếng đá, viên gạch, cả những bức phù điêu có khắc hoa văn rất đẹp từng bị mất, được đặt trở lại ngay ngắn trên bậc thềm Tháp Sáng. 
Tìm hiểu mới biết, không riêng những vùng lân cận, có người ở tận Hà Nội, trước đây ghé thăm, trót lấy đi một miếng đá vì quá thích, sau đó cũng tự động lặn lội hàng ngàn cây số vào trả lại. 
Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc tiếp lời: “Nhiều bức tượng, văn bia đá có niên đại hơn 1.000 năm tại Phật viện Đồng Dương từng bị đánh cắp đã bất ngờ “châu về hợp phố”. Nếu không đem trả ở vùng này, họ sẽ trả ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 
Tôi có người quen tại Bảo tàng kể lại, có thời điểm cứ buổi sáng thức dậy, họ thu được ngoài cửa bảo tàng rất nhiều hiện vật liên quan đến Phật viện Đồng Dương”.
Trưởng thôn Đồng Dương kể một câu chuyện khiến nhiều người sởn tóc gáy, mới đây, ông Nguyễn Dũng và ông Lê Tấn Tình (hai người đều làm rể làng Đồng Dương), khi cuốc đất canh tác thuộc khu vực Phật viện, đào được một bức tượng Bồ Tát bằng đá.Thay vì báo chính quyền, hai người lén mang bán, số tiền cụ thể chưa ai rõ. 
Trong lúc công an xã còn đang xác minh, cho mời lên làm việc, đột ngột ông Tình bị tai nạn giao thông chấn thương nặng. Với người khác, các ca phẫu thuật gãy tay chân, chấn thương bả vai… việc chữa trị thường dễ dàng, riêng ông Tình lại liên tục bị nhiễm trùng, phải chuyển điều trị lên tuyến trên, đến nay vẫn chưa được về nhà. 
Đi khắp xã Bình Định Bắc, nói về trường hợp tai nạn của ông Tình, người nào cũng lắc đầu vẻ sợ hãi./.