Cải lương nỗ lực “định vị” trong lòng khán giả

(PLVN) -  Nghệ thuật cải lương những năm qua không ngừng nỗ lực “trình làng” những vở diễn mới hấp dẫn để thu hút khán giả. Cải lương có niên đại hơn thế kỷ đang dần “định vị” trong lòng khán giả với một diện mạo mới.
Cảnh trong vở cải lương “Câu hò đất mẹ”.

Cải lương khoe sắc

Liên hoan Cải lương toàn quốc diễn ra từ ngày 5/11 - 20/11/2022 tại Nhà hát Nghệ thuật cải lương Long An (thành phố Tân An, Long An), do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì cùng Hội Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An phối hợp tổ chức.

Theo Ban Tổ chức (BTC), Liên hoan năm nay có sự tham gia của 22 đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp từ Trung ương và các địa phương với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia trong 27 vở diễn (trong đó có 7 vở đề tài lịch sử, 4 vở dân gian và 16 vở hiện đại). Đặc biệt, trong đó số lượng diễn viên trẻ lên tới trên 300 người đã cho thấy tín hiệu vui về việc giới trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống và họ chính là lực lượng kế thừa để giữ gìn, quảng bá loại hình nghệ thuật cải lương. BTC cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị phía Bắc để tham gia liên hoan lần này như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa...

Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ góp mặt 2 vở diễn là "Ngược gió" và "Câu hò đất mẹ". Giới chuyên môn đánh giá cao vở "Ngược gió" bởi hình ảnh sông nước gần gũi người miền Tây, gợi nhớ những ký ức đẹp về những con người chân chất. Vở "Câu hò đất mẹ" là một bức tranh đẹp về đề tài chiến tranh cách mạng, vốn là đề tài khó thể hiện và luôn gây thử thách đối với người làm nghệ thuật, nhất là những nhân vật là tượng đài lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm được thực hiện nhằm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đoàn Cải lương Hải Phòng tham gia vở diễn “Đất liền và biển cả” có nội dung ca ngợi tinh thần chiến đấu, sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tham gia liên hoan với 2 vở diễn cải lương “Khơi nguồn” và “Sứ mệnh”|. Nghệ thuật Cải lương Long An với vở diễn "Bên dòng Long Khốt" và Đoàn Cải lương Hương Tràm với "Hương Tràm"...

Miệt mài đưa vở diễn tới công chúng

Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương luôn hướng tới những đặc tính thẩm mỹ, nhân văn gắn liền với những dấu ấn thời đại. Ngày nay, với nhiều loại hình giải trí số hấp dẫn, mới mẻ, việc bảo tồn và phát triển cải lương đứng trước nhiều thử thách. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn thông qua những liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương không chỉ là của những người làm nghề, mà còn cần sự chung tay của mọi công dân nhằm nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước; góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những năm qua, nghệ thuật cải lương ở phía Bắc luôn nỗ lực “trình làng” những vở diễn mới, đạt chất lượng để thu hút khán giả như: “Yêu là thoát tội”, “Khi hoa nở trái mùa”, “Duyên kiếp Bạch Trà”, “Nợ non sông”, “Vú cát”, “Mê cung”, “Con côi họ Triệu”, “Vua Thánh triều Lê”, “Vua Phật, “Ni sư Hương Tràng” (hay Công chúa Huyền Trân), “Tướng quân ăn mày”, “Lâu đài Cát”....

Đặc trưng của nghệ thuật dân tộc, cụ thể là cải lương là kén người xem. Do vậy, mục đích khi xây dựng vở diễn là làm sao có thể đem đến được cho đông đảo khán giả một câu chuyện dễ hiểu, qua đó tạo điều kiện cho mọi người dễ tiếp thu hơn với nền văn hóa cổ truyền như cải lương hiện nay.

Nhiều đạo diễn cải lương hiện có phong cách riêng nhưng điểm chung là say nghề, mạnh dạn sáng tạo mà vẫn trau chuốt. Họ mạnh dạn lựa chọn kịch bản gai góc để có những tiếng nói mạnh mẽ về thời cuộc, về thế thái nhân tình. Rất nhiều khán giả trẻ đã “phải lòng” cải lương. Ví dụ như vở “Yêu là thoát tội” đã nhận được gần trăm suất diễn ở Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang... Vở “Vua Phật” thu hút hàng chục ngàn khán giả tới rạp...

Ngoài “tổng tấn công” bằng chất lượng nghệ thuật, các nhà hát cải lương còn thành lập phòng tổ chức biểu diễn, lập trang web, facebook để giới thiệu thường xuyên về vở mới cùng lịch diễn và điện thoại giao dịch nếu ai có nhu cầu mua vé. Các nhà hát đều cho nhân viên “tỏa” ra các nơi để giới thiệu vở diễn đến với công chúng.

Có thể thấy, các nghệ sĩ đã dốc lòng đem tình yêu môn nghệ thuật cải lương lan tỏa tới mọi người. Hơn ai hết, họ mong muốn, cải lương niên đại hơn thế kỷ luôn được “định vị ” trong lòng công chúng để rạp hát luôn đỏ đèn hàng đêm.