Thiếu hụt nguồn lực trẻ cho sân khấu nghệ thuật truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi truyền hình, điện ảnh đang “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu nghệ thuật truyền thống lại phải đối mặt với “bài toán” khủng hoảng nghệ sĩ trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”.
Nghệ thuật dân gian tuồng đang thiếu trầm trọng nghệ sĩ trẻ. (Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam)
Nghệ thuật dân gian tuồng đang thiếu trầm trọng nghệ sĩ trẻ. (Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Thầy già, con hát cũng... già

Người hoạt động trong ngành sân khấu đều thuộc câu “thầy già, con hát trẻ”, sức trẻ là sự thanh xuân của nghệ thuật biểu diễn. Vậy nhưng thực tế hiện nay, tình hình nguồn lực trẻ của các ngành nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê gần đây nhất của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số lượng diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%.

Những con số biết nói, chứng minh tình trạng thiếu vắng nghệ sĩ trẻ cho ngành sân khấu nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng. NSND Trọng Bình - Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, lực lượng diễn viên biểu diễn 40 tuổi trở lên ở Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện chiếm 64% và đã có gần chục người sắp nghỉ hưu. Việc tuyển chọn diễn viên trẻ như đãi cát tìm vàng, có khi vài khóa mới chọn được một em.

Thạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền (Nhà hát Tuồng Việt Nam) lo ngại, đội ngũ biên kịch, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ (gọi chung là “đội ngũ sáng tạo” cho nghệ thuật tuồng) cũng rất thiếu, đặc biệt là biên kịch cho nghệ thuật tuồng vì viết tuồng phải tuân thủ nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt và rất khó viết, nhuận bút không cao. Vì vậy, nhiều năm không có sinh viên theo học và nhà trường không mở được lớp đào tạo tác giả, biên kịch cho kịch hát truyền thống, dẫn đến không có người để Nhà hát tuyển dụng.

Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ nhận thấy là nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên, xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực trẻ sung sức.

Với trường có nhiều ngành “hot” như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, mấy năm nay, công tác tuyển sinh các chuyên ngành Kịch hát dân tộc như: diễn viên chèo, tuồng, cải lương, sân khấu rối... rơi vào tình trạng khá “èo uột”. Đối với các ngành mang tính đặc thù cao như ngành nghệ thuật truyền thống, trong quá trình theo học được hưởng một số chế độ đặc thù, nhưng thực tế học viên khi tốt nghiệp về các nhà hát lại rơi vào cảnh bơ vơ, không có biên chế nên rất khó thu hút nguồn lực.

Để nghệ sĩ trẻ đến với sân khấu truyền thống

Bàn về vấn đề này, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh, tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, nhiều tài năng đã bộc lộ, phát tiết từ trước cả tuổi trưởng thành. Những tài năng trẻ ấy sẽ được thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, được Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển và xã hội ghi nhận. Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, những tài năng ấy sẽ khó có điều kiện phát triển và trong không ít trường hợp sẽ bị thui chột, phai nhạt.

Còn theo nhà lý luận, phê bình sân khấu Cao Xuân Ngọc phân tích, với tố chất tài năng và thanh sắc, họ tìm đến với những ngành nghệ thuật dễ nổi tiếng, dễ kiếm sống và thành đạt hơn. Ngược lại nghệ thuật truyền thống, để thành đạt, được người trong nghề thừa nhận thì quá vất vả, đòi hỏi phải rèn luyện, học tập không ngừng nghỉ hàng chục năm mà cuộc sống vẫn không “thoát nghèo” vì đồng lương eo hẹp và cát-xê rất thấp.

Do đặc thù là nghệ thuật truyền thống, nhiều nghệ sĩ rất tài năng có nhiều người được Đảng và Nhà nước phong tặng là NSND, NSƯT, Tài năng trẻ nhưng do đặc thù đào tạo mang tính truyền nghề, đào tạo từ nhỏ tuổi, trình độ đào tạo từ trung cấp, theo qui định việc xếp lương khởi điểm cho các nghệ sĩ trẻ mới ra trường hay nghệ sĩ có thâm niên lâu năm trong nghề ở trình độ trung cấp vào hệ số rất thấp.

Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long đưa ra ý kiến, đối với những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống thuộc khu vực các tổ chức, đơn vị, đoàn nghệ thuật nhà nước, cần có sự quan tâm ưu đãi về chế độ chính sách, về nơi ở và môi trường biểu diễn để họ yên tâm gắn bó với nghề. Đối với những người trẻ hoạt động tự do tại các tổ chức phi chính phủ, tại các làng nghề, nhóm nghề truyền thống có năng lực và tâm huyết cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy năng lực và đam mê cống hiến cho xã hội…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần nhìn nhận những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ là nhóm đối tượng quan trọng, đóng góp trực tiếp trong công tác thực hành di sản, từ khía cạnh bảo tồn, phục hồi đến phát huy và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống. Cần tạo điều kiện tốt nhất cho những người trẻ có trình độ, có thực tiễn, đam mê sáng tạo cải tiến những phương thức cũ và sáng tạo những giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ về kinh phí, điều kiện tốt nhất để người trẻ có thể thực hành di sản.

Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” vừa được Tạp chí tổ chức tại Hà Nội ngày 12/11. Hội thảo với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ một số cơ quan, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nghệ sĩ trẻ... đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.

Đọc thêm