Cũng có thể hiểu là bộ luật này cấm giết mổ động vật mà không dùng thuốc gây mê. Lý do được đưa ra ở cả phía tác giả của bộ luật cũng như từ phía các vị dân biểu ủng hộ dự luật này là không để con vật bị đau trước khi bị mổ xẻ và chế biến trở thành thức ăn cho con người. Nghe rất nhân đạo và cũng đúng là nhân đạo.
Làm luật là quyền của các vị dân biểu và mỗi bộ luật được ban hàng đều có động cơ và tác động chính trị. Những người theo Đạo Hồi và Đạo Do Thái lại không có quyền thay đổi những quy định đã được vận dụng từ khi hình thành những đạo này đến nay. Cho nên bộ luật này buộc con người phải lựa chọn giữa nhân đạo và tín ngưỡng. Hà Lan là quốc gia theo Thiên Chúa giáo nhiều hơn là các đạo khác nên quan điểm nhân đạo theo hướng giảm tối đa nỗi đau khổ đối với thể xác và tinh thần thường thống trị.
Người theo Đạo Hồi và Đạo Do Thái ở Hà Lan thì lại không thể không coi bộ luật mới này là “cú đòn” nhằm trực diện vào họ, coi đó là phân biệt đối xử, không còn bình đẳng giữa các tôn giáo, không có tự do tín ngưỡng, trên thực tế coi những người theo Đạo Hồi và Đạo Do thái là những người làm việc xấu.
Vấn đề đặt ra đối với Hà Lan bây giờ liên quan đến câu chuyện này là cả hai phía đều phải hiểu được cần tôn trọng nhân đạo đến đâu và tôn trọng tín ngưỡng đến mức nào.Làm ra bộ luật vốn không đơn giản chính bởi thường bị coi có động cơ chính trị và lợi ích của các nhóm phải ở đằng sau. Chủ đề càng nhạy cảm thì nguy cơ tình dẫu có ngay lý vẫn gian càng lớn và càng thực tế.
Mạc Thầy