Cam kết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

(PLO) - "Việt Nam cam kết đồng hành nâng tầm hợp tác ASEM", là khẳng định được Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện trong thế kỷ XXI” do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng qua (20/4).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: MOFA
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: MOFA

Con người là trung tâm của hợp tác

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, qua 20 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn ASEM đã khẳng định là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. Với nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, ASEM đang mang lại lợi ích cho các thành viên trong duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu. 

Phó Thủ tướng cho rằng cục diện “đa trung tâm” và xu thế dân chủ hóa; việc hình thành các quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở Á – Âu; các thách thức toàn cầu càng nhiều và phức tạp, nằm ngoài khả năng giải quyết của từng quốc gia, từng khu vực như tình trạng đói nghèo, khoảng cách phát triển gia tăng, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, già hóa dân số, đô thị hóa, các vấn đề an ninh - lương thực - năng lượng… như hiện nay đòi hỏi ASEM phải gia tăng hợp tác, kết nối, tìm kiếm và thúc đẩy động lực mới cho phát triển với phạm vi hợp tác rộng hơn, sâu hơn và mang tính đa ngành. 

Thành lập tháng 3/1996, ASEM hiện là nơi hội tụ 19 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, đem lại 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM. 

Phó Thủ tướng đề nghị chú trọng thúc đẩy các yếu tố phát triển bền vững gắn với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc và Thỏa thuận Paris 2015 trong quá trình xác định các nội hàm hợp tác của ASEM thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng việc đối thoại chính trị tập trung ứng phó với các thách thức toàn cầu và ở hai khu vực phải trên cơ sở mẫu số chung lợi ích, hài hòa khác biệt; coi những thách thức về hòa bình, an ninh là cơ hội để tăng cường đối thoại xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử chung, đề cao thực thi luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mọi sáng kiến và cơ chế hợp tác cần lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia của người dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. 

Việt Nam đồng hành cùng ASEM

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thời gian 5 – 10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với quá trình phát triển và vị thế quốc tế của Việt Nam, với việc đăng cai năm APEC 2017, hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018 và các cam kết FTA thế hệ mới, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Trong nỗ lực hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đối ngoại đa phương toàn diện – một trong những trụ cột lớn của đối ngoại Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết đồng hành với các thành viên nâng tầm hợp tác ASEM, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEM lấy con người làm trung tâm, năng động, gắn kết và tự cường. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc 20 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn… 

Đại diện các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, địa phương và doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong tham gia hợp tác ASEM, đồng thời nêu rõ quyết tâm khắc phục kịp thời những bất cập trong tư duy, cách thức phối hợp liên ngành chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới… để nâng tầm đóng góp của Việt Nam cho Diễn đàn trong thập niên tới. 

Đọc thêm