Cấm phá thai bằng luật – nên hay không?

Siết chặt quy định phá thai bằng luật – điều này có vẻ khó chấp nhận và khó thực thi. Tuy nhiên, trước những con số khủng khiếp mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên và những nghĩa trang hài nhi mọc lên ngày càng nhiều, thì vấn đề phá thai có điều kiện lại một lần nữa được cân nhắc.

Siết chặt quy định phá thai bằng luật – điều này có vẻ khó chấp nhận và khó thực thi. Tuy nhiên, trước những con số khủng khiếp mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên và những nghĩa trang hài nhi mọc lên ngày càng nhiều, thì vấn đề phá thai có điều kiện lại một lần nữa được cân nhắc.

Luật quá dễ dàng

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi sinh sản cao nhất ở Đông Nam Á và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Đường đi lên “đỉnh cao” này của Việt Nam được hình thành bằng con số: trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam nạo phá thai 2,5 lần trong đời, theo nhận định của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFRA).

Cộng đồng xã hội và cư dân mạng ngày nay không lạ gì với những cái tên như: nghĩa trang Quần Vinh (Nam Định), nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên Huế), nghĩa trang Đồi Cốc (Sóc Sơn – Hà Nội)… chôn cất những sinh linh bé nhỏ tội nghiệp chưa kịp có cơ hội làm người, với tỷ lệ  trung bình mỗi ngày một nghĩa trang đón 20 thi thể hài nhi.

Cùng “chức năng”, khu nghĩa địa thai nhi trên nghĩa địa online (nhomai.vn...) luôn chiếm con số áp đảo người truy cập, mà phần lớn trong số đó là những ông bố, bà mẹ ghé thăm và… an ủi các hài nhi.

Thực tế này đặt các nhà làm luật, xã hội học trước một sự cân nhắc: nên hay không luật hóa việc nạo phá thai?. Hay nói cách khác, thay vì được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng như hiện nay, phụ nữ chỉ được phép làm điều đó khi hội tủ đủ điều kiện cần và đủ.

Hiện nay, Điều 44, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định rõ: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa. Theo ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, bởi luật pháp quá tôn trọng quyền được phá thai theo nguyện vọng, nên các nhân viên y tế và khách hàng tiếp cận dịch vụ phá thai một cách dễ dàng.

Để ngăn chặn sự mất cân bằng giới tính nói chung và phá thai tràn lan nói riêng, việc lựa chọn giới tính thai nhi là một hành vi bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tại Khoản 2, Điều 7 "Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (tư vấn, chẩn đoán giới tính của thai nhi, phá thai...)” Pháp lệnh Dân số  và các văn bản hướng dẫn khác.

Thế nhưng, cũng phải thừa nhận một sự thật rằng, vì những lý do khách quan, chủ quan mà câu chuyện lựa chọn giới tính của các bậc cha mẹ và phá thai là “cặp bài trùng” không dễ gì ngăn chặn được.

Phá thai phải có sự đồng ý của thân nhân

Tuy nhiên, cũng có quan điểm phản bác rằng, siết chặt quy định phá thai bằng luật điều này có vẻ khó chấp nhận và khó thực thi.

Thực tế đã được nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh như Chile vì né tránh pháp luật mà nhiều phụ nữ đã bị biến thành “quan tài sống” (hệ quả là tỷ lệ sự cố trong nạo phá thai ở Chile là 36/100.000, trong khi mức trung bình của thế giới là 12/100.000) bởi việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp một cách bừa bãi, thiếu hiểu biết dấn đến vô sinh vô phương cứu chữa, tình trạng phá thai chui, phá thai lậu né tránh pháp luật dẫn đến sự tử vong của các bà mẹ...

Ở Nga, dự luật về phá thai đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều đại biểu Đuma Quốc gia và dân thường ở Nga vì theo họ nó xâm phạm quyền hạn của phụ nữ, làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng và tình trạng phá thai bất hợp pháp. Nhưng, bên cạnh đó cũng có nhiều quốc gia thành công với việc siết nạo phá thai bằng luật như Ba Lan, Ixraen, Hunggari, Ailen, Nicaragua, El Salvador, Malta, Vatican...

Dù thế nào, các nhà làm luật Việt Nam cũng đã đứng trước tình thế bắt buộc phải tính đến vai trò của luật trong hoạt động tưởng như rất thông thường của sản khoa này.

“Chỉ cho phép phá thai có điều kiện (vì lý do bệnh tật của người mẹ hoặc thai nhi)” là giải pháp đang được Tổng Cục Dân số và KHHGĐ báo cáo lên Bộ Y tế để tiến tới đề nghị Chính phủ kiến nghị với Quốc hội thay đổi quy định pháp luật nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi. Và theo lộ trình, điều luật này sẽ nằm trong đạo luật về dân số đang được xây dựng để thay thế cho Pháp lệnh Dân số hiện hành.

Theo ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ngoài việc quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được cung cấp dịch vụ phá thai, Luật sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện với người đi phá thai, bao gồm: có ký cam kết tự nguyện phá thai với sự đồng ý của chồng (nếu đã có chồng) hoặc sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi); có chứng minh nhân dân để xác định họ tên và nơi ở; có xác nhận cận lâm sàng về chẩn đoán có thai mới được làm thủ thuật phá thai… đó là những dự kiến điều chỉnh sẽ được đưa vào trong Dự án Luật Dân số.

Hy vọng rằng, tới lúc đó, những nghĩa địa sinh linh bạt ngàn, hàng ngàn ca tai biến sản khoa mỗi năm vì nạo phá thai, số lượng những đứa trẻ trai áp đảo trẻ gái báo hiệu một thực tế phũ phàng mấy chục năm nữa đàn ông Việt sẽ phải sang tận châu Phi xa xôi để tìm vợ... sẽ lùi vào quá khứ.

Hồng Minh

Đọc thêm