Cấm thuốc lá mới, Singapore và Brazil giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức thấp nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cấm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN), trong đó Singapore, Brazil và Hồng Kông (Trung Quốc) đã chứng minh hiệu quả của lệnh cấm khi duy trì tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, lần lượt là 10,1%, 9,1% và 9,5%. Thuế thuốc lá cũng được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong việc kiểm soát tỷ lệ hút thuốc.
Bà Bungon Ritthiphakdee, Nhà sáng lập và Cố vấn cấp cao, Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA).
Bà Bungon Ritthiphakdee, Nhà sáng lập và Cố vấn cấp cao, Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA).

Bà Bungon Ritthiphakdee, Nhà sáng lập và Cố vấn cấp cao, Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cho biết, hiện nay, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã cấm TLĐT và TLNN.

Tại khu vực ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các sản phẩm này. Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã nhượng bộ trước áp lực của ngành công nghiệp thuốc lá và cho phép bán, quảng cáo các sản phẩm này đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút TLĐT ở giới trẻ. Vì vậy, việc Quốc hội Việt Nam thông qua quyết định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cũng như các chất gây nghiện, có hại cho sức khỏe từ năm 2025 là đúng đắn, kịp thời.

Các sản phẩm TLĐT và TLNN không an toàn như họ quảng bá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng chứa nicotine, các chất độc hại và có nguy cơ gây ung thư. Trên toàn cầu, số ca tổn thương phổi liên quan đến TLĐT (EVALI) đang gia tăng, bao gồm trường hợp một thanh niên 22 tuổi tại Philippines, đã tử vong vào đầu năm 2024 vì tổn thương tim và phổi sau hai năm sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày.

Ngoài ra, TLĐT và TLNN cũng không phải là phương pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ cai thuốc lá. Nhiều người sử dụng TLĐT để bỏ thuốc lá truyền thống nhưng cuối cùng lại sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá này, làm tăng mức độ nghiện nicotine. Đặc biệt, thanh thiếu niên sử dụng TLĐT có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống cao gấp ba lần so với nhóm không sử dụng. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Brazil và Hồng Kông (Trung Quốc)- nơi cấm hoàn toàn TLĐT và TLNN - hiện có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, lần lượt là 10,1%, 9,1% và 9,5%.

Bà Bungon Ritthiphakdee nhấn mạnh rằng, để giảm tỷ lệ người trẻ nghiện nicotine, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược kiểm soát thuốc lá phù hợp với Công ước Khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC). Các biện pháp như cấm TLĐT và TLNN, kết hợp với việc tăng thuế thuốc lá, sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các thế hệ tương lai.

Thuế thuốc lá được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong việc kiểm soát tỷ lệ hút thuốc. Tuy nhiên, giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn ở mức rẻ nhất khu vực ASEAN, chỉ dưới 1 USD mỗi gói, khiến thuốc lá dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng, bao gồm cả thanh thiếu niên. WHO đã khuyến nghị Việt Nam tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bắt đầu từ mức 5.000 VND mỗi gói vào năm 2026 và nâng lên 15.000 VND vào năm 2030. Biện pháp này sẽ làm tăng giá thuốc lá, hạn chế người sử dụng và khuyến khích những người hút thuốc từ bỏ thói quen này.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 16 triệu người trưởng thành hút thuốc, gây ra 100.000 ca tử vong mỗi năm. Chi phí y tế và tổn thất năng suất lao động liên quan đến thuốc lá tiêu tốn hơn 108,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD) mỗi năm, tạo gánh nặng lớn lên hệ thống y tế và nền kinh tế.

Đọc thêm