Cảm xúc là bông hoa, làm gì để cuộc đời là tràng hoa đẹp?

(PLVN) - Cảm xúc là những bông hoa và cả cuộc đời bạn là một vòng hoa. Phải có một sợi dây gắn kết, nếu không thì cuộc đời bạn đã rơi rụng từ lâu, vậy sợi dây gắn kết ấy là gì? Osho đặt câu hỏi và dẫn dắt bạn đọc khám phá trong “Cảm xúc” (tựa gốc: “Emotional Wellness”)...

Theo Osho, con người không thể kìm nén cảm xúc - cách tiếp cận rất phổ biến và thường được đánh đồng với tính kỷ luật và trách nhiệm. Nén cơn giận và cố mỉm cười để giữ hình ảnh tốt đẹp, cố gạt qua nỗi buồn để bản thân “tích cực” hơn, người đàn ông không dám khóc lóc vì sợ bị cho là yếu đuối... Osho kịch liệt phản đối tất cả các kiểu kìm nén đó.

Tại sao việc đè nén cảm xúc tuyệt đối lại có hại? Osho lập luận rằng tâm trí con người bao hàm hai điều: cái đầu và trái tim. Suy nghĩ, logic được khởi sinh từ cái đầu, còn cảm xúc thì xuất phát từ trái tim. Khi bạn kìm nén, đè nén hay kiểm soát cảm xúc là cái đầu đang thắng thế trái tim, là bạn đang kìm nén một phần quan trọng của chính mình. Theo vị đạo sư, khi bạn đè nén cảm xúc tiêu cực, cảm xúc đó chẳng

thể biến mất. Nó chỉ bị “nhốt trong một căn hầm”, năng lượng bị áp chế sẽ hoà vào máu của cơ thể, tạo nên những sự xung đột giữa những tế bào. Và chẳng chóng thì chầy, theo cách này hoặc cách khác, những cảm xúc đó sẽ làm phiền bạn. “Chúng sẽ trở thành những cơn ác mộng, những giấc mơ xấu xí khi đêm xuống và vào ban ngày, chúng sẽ ảnh hưởng đến hành động của bạn”, Osho nói, “Mọi người tiếp tục tích lũy cơn giận của mình, tiếp tục đè nén cơn giận của mình và rồi một ngày nào đó, lượng độc tố tích tụ trong mỗi người nhiều đến mức chúng bùng nổ thành “chiến

tranh thế giới”.

Nhưng nếu không kiểm soát, không kìm nén thì chúng ta phải làm gì với những cảm xúc mãnh liệt đang dâng lên trong lòng đây? Cái đầu không thể áp chế trái tim, nhưng theo Osho, trái tim cũng chẳng thể trở thành người làm chủ hoàn toàn, bởi vì trái tim rất mù quáng và nguy hiểm. Nên bạn cũng chẳng thể bộc lộ hoàn toàn cơn giận từ trái tim để rồi từ đó gây hại cho mọi người xung quanh. Để đối mặt một cách đúng đắn với những cảm xúc luôn biến thiên, không phải tuân theo cái đầu hay trái tim, mà Osho cho rằng bạn cần “vượt lên trên chúng”, tức vượt lên trên tất cả những gì thuộc về lý trí lẫn cảm xúc.

“Vượt lên trên” - có nghĩa rằng bạn tách ra để tạo nên một khoảng cách giữa bạn với tâm trí và trở thành người quan sát. Khi đó, bạn sẽ có đủ ý thức để thấy rằng mình không phải là cơn giận này, cũng không phải là nỗi sợ, nỗi buồn kia.

Theo vị đạo sư, một khi bạn trở thành người quan sát, có sự chứng kiến và đủ kiên nhẫn,mọi cảmxúc dùmãnh liệt tới đâu cũng sẽ dần biến mất. “Hành động chứng kiến là một thanh gươm sắc bén. Nó cắt đứt suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chỉ trong một nhát chém”, ông tuyên bố.

“Nếu bạn chỉ có 1% là người quan sát, vậy 99% còn lại là tâm trí. Nếu bạn có 10% là người quan sát, vậy 90% là tâm trí. Nếu bạn có 90% là người quan sát, vậy chỉ còn lại 10% cho tâm trí. Nếu bạn là người quan sát 100%, vậy thì không có tâm trí - không có nỗi buồn, cơn giận, sự ghen tuông - chỉ có sự sáng tỏ, tĩnh lặng và phúc lành”, Osho nói.

Có thể nói, giữa những tựa sách cùng chủ đề, “Cảm xúc” của Osho có lẽ là cuốn sách táo bạo mà cũng hài hước nhất mà bạn có thể tìm thấy. Nó chứa đầy những câu chuyện từ cổ xưa đến hiện đại, có thật hoặc không, mà hễ khi đọc đến là người ta sẽ không ngừng cười khúc khích. Ngôn từ bay bổng, lối diễn đạt giàu hình ảnh và hài hước, táo bạo của Osho là điều ta ít thấy ở các triết gia quá nghiêm túc ngày xưa

lẫn các cây viết khoa học quá an toàn ngày nay.