Tại buổi làm việc về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác đảm bảo hoạt động ATGT ở Hà Nội, Thượng tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục CSGT (C67, Bộ Công an) cho biết, dù Hà Nội có trung tâm tín hiệu giao thông do phòng CSGT quản lý, nhưng thực tế chưa có nút giao thông nào điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu theo lưu lượng phương tiện.
“Tiêu chí của các nước là tất cả đèn đỏ đều có camera giám sát giao thông, CSGT không phải đứng ngay tại nút giao có đèn tín hiệu, trong khi ở ta thì ngược lại”, ông Bình nói.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện thừa nhận, TP có 200 nút giao được gắn đèn tín hiệu giao thông nhưng các đèn chưa thể thông minh đến mức điều chỉnh thời gian đèn xanh - đèn đỏ theo mật độ lưu lượng phương tiện đi qua.
Trong số 400 camera giám sát giao thông tại các điểm, nút giao thông, chỉ có 22 nút có camera có thể tích được lỗi vi phạm.
TP đang có chủ trương xây dựng TP thông minh, trong đó có việc xây dựng bản đồ số cảnh báo ùn tắc giao thông.
“Khi xây dựng được bản đồ số, tuyến đường nào tắc sẽ được ký hiệu màu đỏ trên bản đồ và không cho xe đi vào đường tắc. Người dân sẽ có lựa chọn đi lại thuận tiện nhất”, ông Viện nói.
Khái niệm phân làn ở Hà Nội bị phá vỡ
Ông Bình cũng nêu bất cập của giao thông Hà Nội hiện nay là khái niệm phân làn bị phá vỡ, nhiều tuyến đường người điều khiển phương tiện không đi theo làn mà đi lộn xộn dẫn đến ùn tắc.
“Chuyên gia nước ngoài nói, tại sao đường đô thị Hà Nội phương tiện lưu thông tốc độ thấp lại không làm làn đường nhỏ lại để phương tiện đi theo làn, trong khi khái niệm đi theo làn đã bị phá vỡ hoàn toàn” - ông Bình kể.
Lỗi vi phạm giao thông được camera tích về Trung tâm điều hành giao thông Hà Nội |
Cùng với việc tổ chức giao thông, ông Bình lưu ý Hà Nội cần có phương án tổ chức giao thông khi tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.
Đặc biệt phải tổ chức giao thông kết nối sao cho phù hợp, bởi đây là loại hình vận tải công cộng mới, nếu không chuẩn bị kết nối tốt, giao thông sẽ rất lộn xộn.