Cần 20 tỷ đồng… chống thấm đập thủy điện Sông Tranh 2

Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đang đàm phán với Viện Nghiên cứu và Thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) để xử lý tình trạng nước thấm qua thân đập với tổng kinh phí khắc phục dự kiến khoảng 20 tỷ đồng.

Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đang đàm phán với Viện Nghiên cứu và Thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) để xử lý tình trạng nước thấm qua thân đập với tổng kinh phí khắc phục dự kiến khoảng 20 tỷ đồng.

Rò rỉ nước trên đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Nước vẫn thấm hơn 70lít/giây

Sau hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: Bài học và các khuyến nghị” do Mạng lưới sông ngòi Việt nam và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức mới đây, dư luận vẫn chưa thực sự yên tâm trước sự an toàn của thân đập, do lưu lượng thấm (Qmax) vẫn ở mức khá cao, từ 73 - 76lít/giây, trong khi trước đó, các đập bê tông đầm lăn (RCC) tương tự như Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 chỉ số thấm lớn nhất cũng chỉ ở mức 17 và 27 lít/giây.

Tuy nhiên, theo chính quyền huyện Bắc Trà My, đến thời điểm nay, Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa công khai rõ ràng phương án khắc phục sự cố rò rỉ nước và cũng chưa có những phương án dự phòng, giả định các tình huống xấu do xả nước… để bảo vệ an toàn cho khu vực hạ du.

Chống thấm 2 giai đoạn

Theo nguồn tin của PLVN, ngày 28/4/2012, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn thành phương án xử lý giảm lưu lượng thấm qua đập và đã được Tập đoàn EVN phê duyệt. Cụ thể, việc xử lý chống thấm tại mặt thượng lưu khe nhiệt sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, khoan phụt keo trương nở Polyurethan (keo PU) vào khe nhiệt từ mặt thượng lưu đập bao gồm cả trên và dưới mực nước chết, đồng thời thời dán tấm chặn nước SR (loại vật liệu dùng cho các đập bê tông bản mặt) hoặc một loại vật liệu tương đương cho phần trên cao độ 140 mét. Giai đoạn 2, dán tấm chắn nước SR hoặc loại vật liệu tương đương và khe nhiệt từ mặt thượng lưu đập cho phần dưới cao độ 140 mét.

Một số đập RCC (công nghệ bê tông đầm lăn) trên thế giới bị thấm và phải xử lý sau khi tích nước, theo phương pháp dán mang chống thấm như đập Sông Tranh 2: Galesville (Mỹ) lưu lượng thấm  60 lít/giây, Pantanovrysis (Hy Lạp) lưu lượng thấm 30 lít/giây…

Theo phương án đã trình lên EVN, nếu sau khi kết thúc việc chống thấm giai đoạn 1, hiệu quả chống thấm qua các khe nhiệt không giảm hơn 95% (quan trắc ở mức nước 140m), thì phải tiến hành việc dán tấm SR phần dưới mực nước 140m. Việc khắc phục sự cố sẽ được tiến hành dưới nước bởi các thợ lặn và sẽ truyền hình ảnh trực tiếp lên bờ để giám sát thi công bằng một camera.

Đơn vị tư vấn thiết kế cho biết, hiện nhà thầu thi công Thủy điện Sông Tranh 2 đang đàm phán để xem xét ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu Thiết kế thủy điện Hoa Đông (Trung Quốc) - đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để xử lý chống thấm thân đập. Ước tính kinh phí để xử lý chống thấm thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ lên tới khoảng 20 tỷ đồng bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhân công, chi phí giám sát...

Tuy nhiên, hạng mục xử lý trên khô nếu sử dụng nhân công trong nước thì tổng chi phí khắc phục sẽ không đến con số 20 tỷ đồng. Về nguyên tắc, toàn bộ kinh phí khắc phục sự cố sẽ do nhà thầu thi công tự chịu.

“Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 cần có tiếng nói chung với chính quyền địa phương về các phương án phòng, chống lụt bão… Khi kết thúc việc chống thấm phải có đánh giá trên cơ sở khoa học, có cấp thẩm quyền phê duyệt rồi mới cho tích nước nếu không đảm bảo thì kiến nghị không cho tích nước.” - Trung tướng Trần Quang Khuê,  Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBQG Tìm kiếm cứu nạn.

Tuấn Anh

Đọc thêm