Cần ban hành quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp

(PLVN) -  Ngày 16/4, Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ để giám sát “Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo trước Đoàn công tác, ông Võ Văn Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, công tác giám định tư pháp trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng được củng cố, kiện toàn, từng bước đi vào nền nếp.

Đội ngũ giám định viên tư pháp có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ngày càng cao, chất lượng vụ việc giám định được nâng lên đáp ứng được yêu cầu trưng cầu giám định của cá nhân, tổ chức và cơ quan tiến hành tố tụng. Đã thực hiện công tác giám định tư pháp hơn 1.500 vụ/năm (mức trung bình so với cả nước).

Hiện, TP Cần Thơ có 3 tổ chức giám định tư pháp công lập. Trong đó, có 2 đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương là: Trung tâm pháp y trực thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự trực thuộc Công an TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ ra một số điểm hạn chế, bất cập. Cụ thể, vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ trong công tác giám định tử thi (cơ quan nào được trưng cầu giám định thì cơ quan đó thực hiện công tác giám định). Ngoài ra, công tác giám định liên quan đến các vụ việc do cháy nổ, âm thanh, điện tử chưa thể giám định được do nguyên nhân khách quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, hoạt động giám định tư pháp là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ công tác tố tụng hình sự, góp phần nâng cao công tác tư pháp, xét xử, đưa sự thật ra ánh sáng tạo công bằng cho xã hội. Đồng thời, việc chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong công tác giám định, cần sớm ban hành quy chế phối hợp để đảm bảo sự thuận lợi, hoạt động hiệu quả trong công tác giám định tư pháp trong bối cảnh Luật Giám định tư pháp 2012 chưa thể sửa đổi. 

Đọc thêm