Phát biểu dẫn đề, PGS.TS Hoàng Thế Liên nhìn nhận việc thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay còn yếu, chưa được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tình trạng thất thoát tài sản của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, đầu tư công, tín dụng ngân hàng, những vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm… đều trực tiếp liên quan tới những yếu tố kém trong tổ chức THPL. Do đó, cần có những đánh giá khách quan và cơ chế phù hợp để công tác THPL có thể góp phần hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu khách quan của đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như từng bước hoàn thiện thiết chế Nhà nước pháp quyền theo mô hình Hiến pháp 2013 đã xác định.
Còn Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, một trong những yêu cầu hàng đầu của Nhà nước pháp quyền là pháp luật phải được thượng tôn trên thực tế. Nói cách khác, khi pháp luật được ban hành và phát sinh hiệu lực thì cần được thực thi nghiêm chỉnh. Điều đó làm cho khoảng cách giữa pháp luật trên giấy và pháp luật trong thực tiễn được thu hẹp khoảng cách. Chính vì thế, bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh pháp luật và nâng cao hiệu quả THPL là một trong những yêu cầu, đòi hỏi của chính quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Ngoài những vấn đề lý luận, Hội thảo đã được nghe Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn khái quát và đánh giá thực trạng công tác THPL ở Việt Nam nhằm đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác này. Theo đó, yếu tố quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức về công tác tổ chức THPL vì đây là khâu then chốt, quyết định hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong đời sống xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức THPL, tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm cho công tác soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết, phổ biến, tập huấn và các điều kiện bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và địa phương.
Góp ý thêm, PGS.TS Dương Đăng Huệ cho rằng yếu tố chi phối mạnh nhất tới khâu THPL chính là đặc điểm của từng đạo luật và ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi chủ thể. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để kịp thời cung cấp tri thức pháp luật cho người dân biết mà thực hiện cho đúng.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu lên nguyên nhân khiến công tác THPL kém hiệu quả như do các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo; sự kết nối giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan liên quan có sự “gãy khúc” về tư duy nên dẫn tới “đứt đoạn” trong triển khai. Vì vậy, đa số các ý kiến đều đồng tình rằng để phục vụ hiệu quả cho công tác THPL thì các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm các điều kiện cho THPL như kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phù hợp. Đặc biệt, yếu tố về con người phải được chú trọng, có các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp; tạo môi trường công khai, minh bạch và dân chủ để cơ chế THPL được vận hành hiệu quả.