Căn bệnh dịch mang tên “gian dối”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một cây cầu phao ở Sóc Sơn (Hà Nội) xây dựng năm 2013, đưa vào sử dụng năm 2017, chi phí 5,7 tỷ bị chính quyền và cơ quan chức năng "vu" cho là được làm từ năm 1984, nay đã hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn và đề nghị làm một cây cầu mới, có giá 72 tỷ đồng.
Cây cầu phao ở Sóc Sơn (Hà Nội) xây dựng năm 2013, đưa vào sử dụng năm 2017, chi phí 5,7 tỷ bị cho là được làm từ năm 1984,
Cây cầu phao ở Sóc Sơn (Hà Nội) xây dựng năm 2013, đưa vào sử dụng năm 2017, chi phí 5,7 tỷ bị cho là được làm từ năm 1984,

Rõ ràng là một sự gian dối từ trong trứng nước và áp dụng nghệ thuật “thổi giá” như lan đột biến. Theo các chuyên gia xây dựng cầu thì cây cầu phao như vậy chi phí xây dựng khoảng 30 tỷ đồng.

Xây dựng là một lĩnh vực béo bở đối với nhiều người và người ta ra sức khai thác ngân khố quốc gia dành cho xây dựng. "Rút ruột công trình" đã trở thành một "thuật ngữ chuyên môn" khá phổ biến trong lĩnh vực này. Các đại biểu Quốc hội từng tranh luận xem có phải xây dựng đường sá chỉ thất thoát 30% hay con số thực phải cao hơn thế.

Mới đây, một cây cầu ở Hòa Bình do một đơn vị ở Vĩnh Phúc thi công, dân phát hiện trộn đá, cát bẩn vào bê tông và tố cáo. Công trình đã phải tạm dừng thi công, hót sạch cái thứ gọi là bê tông đó và xử lý những người có trách nhiệm thi công cầu này. Việc này lý giải vì sao các công trình cầu đường ở nông thôn, các đơn vị thi công cứ như đi ăn trộm và hành xử như "bí mật quân sự", cảnh giác đến mức cao độ trước tai mắt nhân dân.

Một bài học nhãn tiền cho thói gian dối trong xây dựng là việc khởi tố vụ án làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với vài chục bị can, có cả những người nước ngoài, trở thành "đại án" thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương. Những kẻ "rút ruột công trình" này không chỉ tan tành sự nghiệp, thân phận pháp lý là một thằng tù mà còn bị miệng thế cười chê. 

Nhớ lại, những người đã tố cáo sự gian dối của công trình này đã phải trải qua khổ cực như thế nào để đưa ra ánh sáng những trò gian dối. Họ thực sự là những chiến binh quả cảm, có thể hy sinh cả tính mạng mình trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Một sự cảnh tỉnh nữa, mới đây, trong phiên tòa xét xử "đại án" Gang thép Thái Nguyên làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, các bị cáo từng giữ những chức vụ cao nhất trong công ty, lừng lẫy một thời, giờ nói lời sau cùng đầy ân hận và cúi xin hình phạt "nhẹ hơn mức của Viện kiểm sát đề nghị". 

Một sự gian dối phổ biến trong lĩnh vực xây dựng là xây nhà không phép hoặc sai phép đã trở nên hết sức phổ biến mà dường như chính quyền bó tay hoặc xử lý thì vô cùng chậm chạp. Giữa Thủ đô, nhà một vị tướng xây 4 tầng hầm vẫn được Chủ tịch quận này cho rằng "đúng quy định" và mặc cho sự bức xúc của dư luận, việc xử lý vẫn như "gà mắc tóc". Hoặc, phát hiện những công trình sai phép "khổng lồ" tại quận 10, TP HCM sau nhiều lần đốc thúc không chịu dỡ bỏ, thành phố phải lên phương án cưỡng chế. Đang nói là trong những công trình sai phép này, có cả nhà của ông nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận. Điều đó có thể lý giải vì sao sự gian dối trong xây dựng ngày càng phát triển! 

Đọc thêm