Cần bỏ khái niệm “doanh nghiệp ngoài nhà nước”

(PLO) - Tại buổi tọa đàm góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng tổ chức hôm nay (19/10) tại Hà Nội, các các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung phát triển kinh tế mà trọng tâm là ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để KHCN trở thành giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế. 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm
Đáng chú ý, có đại biểu đã thẳng thắn đề nghị cần bỏ khái nhiệm doanh nghiệp ngoài nhà nước, vì mọi cống hiến và đóng góp của doanh nhân đều vì đất nước, vì nhân dân.
Buổi Tọa đàm do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc tọa đàm. 
Gợi ý về nội dung góp ý, Chủ tịch  Nguyễn Thiện Nhân nêu câu hỏi: tại sao nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nguyên nhân chính là gì? Tại sao phần lớn công nghệ ở doanh nghiệp hiện nay đã lạc hậu mà họ không chịu đổi mới? Năng suất lao động phụ thuộc vào đâu, có hay không việc doanh nghiệp không cần KHCN mà vẫn cạnh tranh được vì họ tập trung sử dụng lao động giá rẻ? 
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, những vấn đề này cần làm rõ, đồng thời cũng cần làm rõ cơ chế, chính sách, kinh phí cho KHCN phát triển. “Tại sao nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ? Đây là do chính sách hay nhận thức của doanh nghiệp hay doanh nghiệp đang dùng lợi thế khác không dùng đến KHCN?” – Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trăn trở.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì đặt ra vấn đề, tại sao 30 năm đổi mới chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa? Nếu chưa xây dựng được thì rất khó cất cánh, trong khi đó, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn. 
Theo vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta cần phải có giải pháp để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế nhưng không được để lệ thuộc kinh tế thế giới. Muốn làm được điều này chúng ta phải có những năng lực lớn và văn kiện phải chỉ ra được
Ông Thiên cũng cho rằng,  Đại hội là để tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ 5 năm trước, nhưng dự thảo tổng kết còn quá đơn giản - chỉ có 3 trang, trong khi 5 năm qua có nhiều sự kiện, tình huống, nhiều vấn đề chiến lược xoay chuyển rất rõ. Việc đánh giá về tình hình khó khăn cũng phải đầy đủ, cụ thể hơn để bước vào giai đoạn chuyển đổi và xác định được đường hướng phát triển đất nước cho 5 năm tới.
Liên quan đến vai trò và sự đóng góp của các doanh nghiệp cho sự phát triển của nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội doanh nhân tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn, khối doanh nghiệp tư nhân đang bị phân biệt đối xử, không được đánh giá đúng về vai trò. Trong khi đó, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 40% GDP so với 32% GDP của doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, trong văn kiện cần chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, khẳng định sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.  
“Cần bỏ khái nhiệm DN ngoài nhà nước, vì mọi cống hiến, đóng góp của doanh nhân là vì đất nước, nhân dân. Doanh nhân chúng tôi không phải từ trên trời rơi xuống, không phải là nằm ngoài nhà nước. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo kinh tế thị trường. Theo tôi, trừ những lĩnh vực kinh doanh liên quan đến an ninh quốc phòng thì tập trung ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, còn lại các lĩnh vực khác thống nhất cạnh tranh theo cơ chế thị trường”- ông Đệ đề nghị./.

Đọc thêm