Tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS HCM hôm qua, 14/10, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến văn nghệ sỹ trẻ góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là: bảo tồn và phát triển những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống; các chính sách hỗ trợ để nghệ sỹ trẻ có điều kiện phát triển.
Tại Hội nghị, các ý kiến khẳng định, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng được xây dựng công phu, chặt chẽ, kết cấu, bố cục rõ ràng, có sức thuyết phục, thể hiện tính khoa học cao…
Các đại biểu đã góp ý, đề xuất sửa đổi một số vấn đề như: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa…
Góp ý tại Hội nghị, Hoa hậu Ngọc Hân - hoa hậu Việt Nam năm 2010 bày tỏ mong muốn, thời gian tới Đảng, Nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục cho học sinh về văn hóa, về lịch sử nước nhà: “Chúng ta có rất nhiều cuốn sách về lịch sử, có rất nhiều chương trình giáo dục về văn hóa, nhưng giáo dục như thế nào, những bộ sách giáo khoa ấy đã thực sự phù hợp với mong muốn, sự tiếp nhận của con trẻ chưa hay đấy chỉ là dạy cho con trẻ những cái bên ngoài chứ chưa thực sự đi vào đầu óc của con trẻ”.
Ngọc Hân mong muốn có những chương trình giáo dục nhuần nhuyễn hơn, mềm mại hơn để làm sao những kiến thức lịch sử, văn hóa đó thấm vào giới trẻ một cách tự nhiên.
Quan tâm đến các cây viết trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Hiện nay, hội viên Hội nhà văn chủ yếu là những người già, người trẻ rất ít, chiếm chưa đến 5%. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng mong muốn tổ chức nhiều diễn đàn, hỗ trợ kinh phí để người trẻ có điều kiện sáng tác.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nói: “Trên cơ sở chúng ta phải có nhiều chính sách quan tâm hơn đối với nghệ thuật, thì chúng ta phải quan tâm đầu tư đối với những người viết trẻ. Bây giờ nhuận bút của một tiểu thuyết, một quyển truyện ngắn, một tác phẩm dịch chỉ có 10%. Nếu như yêu cầu người viết chỉ tập trung vào sáng tác để viết thì không thể đủ.
Mong là thời gian tới chúng ta phải chú trọng và đầu tư hơn, nâng cao hơn điều kiện hỗ trợ cho họ. Chúng tôi cho rằng phải có thêm các chương trình thực tế sáng tác để những người trẻ tham gia, có thêm giải thưởng để lôi kéo người trẻ tham gia có thêm những gương mặt mới để tạo lực lượng kế cận cho văn học Việt Nam trong tương lai”.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị đầu tư nhiều hơn cho các loại hình nghệ thuật truyền thống như: cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, xẩm... đưa môn nghệ thuật truyền thống vào các chương trình đào tạo ở các bậc học khác nhau, tùy thuộc vào vùng miền để khi lớn lên các em có nền tảng văn hóa truyền thống để giới thiệu cho bạn bè, du khách.