Ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo có Đại tá Võ Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết: Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ An ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
Theo đánh giá của Bộ Công an, Luật Cảnh vệ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ, đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác cảnh vệ được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Theo đó, một trong những chính sách đáng chú ý được nêu lên tại đề nghị sửa đổi Luật Cảnh vệ đó là bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao bày tỏ nhất trí bởi quy định như vậy đã thể chế hóa được Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt khác ,vì đặc thù công việc của những người này liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia, dân tộc, đến quyền sống, quyền tự do của con người; do đó có tính rủi ro nguy hiểm cao cần được bảo vệ, đồng thời hiện nay do yêu cầu an ninh chính trị trong tình hình mới thì việc bảo vệ các đối tượng này là cần thiết.
Còn theo đại diện Bộ Nội vụ, cần làm rõ cơ sở chính trị pháp lý khi bổ sung các đối tượng nêu trên bởi nhiều chức danh quan trọng thuộc các lĩnh vực khác nhưng lại có cấp hàm khác.
Ngoài ra, góp ý về chính sách quy định quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng cần làm rõ những mâu thuẫn giữa Luật Cảnh vệ hiện hành với các luật liên quan như Luật Công an nhân dân, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể. Mặt khác, Bộ Công an cần đánh giá nguồn nhân lực để thực hiện các chính sách nêu lên, đặc biệt cần tính tới yếu tố có tăng biên chế không để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí cần phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Để nâng cao chất lượng Hồ sơ đề nghị, Thứ trưởng đề nghị làm rõ các cơ sở xây dựng Luật trong Tờ trình Chính phủ, đánh giá cụ thể các Điều ước quốc tế đã rà soát, cân nhắc quy định các đối tượng cảnh vệ theo chức danh. Đồng thời, đồng chí đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với đối tượng vừa giữ chức danh trong Đảng, vừa giữ chức danh trong nhà nước; đề nghị ban soạn thảo đưa ra tiêu chí xác định sự kiện quan trọng.