Cần bổ sung nguồn lực cho công tác trợ giúp pháp lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) -Chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thời gian qua đã phát huy tác dụng, tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết.
Cần bổ sung nguồn lực cho công tác trợ giúp pháp lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Người dân được sử dụng dịch vụ TGPL nhiều hơn

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020. Sau 5 năm thực hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực. các vụ việc về TGPL đã giúp người dân bảo vệ tốt hơn quyền lợi ích hợp pháp của mình; người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực với 177 lớp tập huấn đã được tổ chức với hơn 16.000 người tham dự; Truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các địa phương này được đẩy mạnh…Nhiều địa phương đã có những hình thức sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác TGPL.

Ví dụ tại Thanh Hoá, giai đoạn 2016-2020, đã có 60.000 đại biểu là cán bộ, hội viên các tổ chức đoàn thể thuộc MTTQ và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tham dự các hội nghị về phổ biến pháp luật; 100 xã nghèo đã được trang bị sách pháp luật; thực hiện gần 1.000 cuộc tư vấn pháp luật, hòa giải, tham gia tố tụng để bào chữa cho các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính… cho các đối tượng được TGPL là người nghèo, người có công với cách mạng, người DTTS, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Giai đoạn này, Trung tâm TGPLNN tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc TGPL lưu động tại các thôn, bản trên địa bàn các huyện miền núi và phát hành hàng chục ngàn tờ gấp pháp luật . Tại Tuyên Quang, trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm đã thực hiện 2.244 vụ việc cho trên 2.500 người, xử lý 273 thông tin TGPL; thực hiện trên 75 đợt trợ giúp pháp lý tại cơ sở, trực tiếp phổ biến, hướng dẫn pháp luật cho gần 15.000 lượt người, cung cấp trên 90.000 tờ gấp, tài liệu pháp luật cho Nhân dân. Công tác trợ giúp pháp được đẩy mạnh với nhiều hình thức, trong đó hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa…Ngoài ra Tuyên Quang còn hỗ trợ sẻ chia, tặng nhiều phần quà hỗ trợ cuộc sống của một bộ phận hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh truyền thông trên diện rộng với hàng trăm bài viết “Câu chuyện pháp lý”, hàng ngàn tình huống giải đáp pháp luật trên Chuyên mục “Phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật” trên Báo Kiên Giang, Cổng thông tin điện tử của Trung tâm TGPL nhà nước với hàng trăm lượt người truy cập hàng ngày tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận dịch vụ TGPL và tìm hiểu pháp luật. Nhiều loại tờ gấp pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống cũng được cấp phát đến tay người dân. Đặc biệt, tỉnh này duy trì đường dây nóng về TGPL để tiếp nhận thông tin phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, từ đó kịp thời tư vấn giải đáp thắc mắc, hướng dẫn yêu cầu được TGPL..

Tăng cường nguồn lực

Tuy vậy, qua thời gian thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg cũng cho thấy nhiều khó khăn, bất cập. Do đây là những địa bàn khó khăn do đó trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương chưa chặt chẽ, đặc biệt trong việc đánh giá đúng nhu cầu TGPL cho bà con. Bên cạnh đó số lượng trợ giúp viên TGPL còn mỏng, chưa được bồi dưỡng thường xuyên cũng là một bất cập không nhỏ.

Đáng chú ý, do nguồn ngân sách ở nhiều địa phương còn khó khăn nên việc bố trí cho công tác TGPL chưa đáp ứng được nhu cầu, còn nhỏ giọt, do vậy việc triển khai các hoạt động về TGPL rất khó khăn.

Cùng với việc tăng cường nguồn lực, ưu tiên quan tâm giải quyết vấn đề kinh phí, tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, cần chú trọng phát triển lực lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương - những người am hiểu về phong tục tập quán đồng bào; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt báo chí truyền thông và chính quyền cơ sở trong thực hiện TGPL…

Nhiều địa phương cũng đề nghị, Bộ Tư pháp, Cục TGPL tiếp tục tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản liên quan đến chế độ chính sách ưu đãi đối với người thực hiện TGPL tương xứng với nhiệm vụ được giao (phụ cấp thâm niên, nâng mức phụ cấp và chế độ bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý) và có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với tổ chức đăng ký tham gia TGPL tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Cộng tác viên TGPL.

Đọc thêm