Vật chất “cám dỗ” ?
Khi đưa ra nguyên nhân dẫn đến hạn chế, tồn tại của công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động Tư pháp, các cơ quan Tư pháp đều đồng loạt đề cập đến tác động của những hạn chế từ yếu tố con người.
Bộ Công an cho rằng, nguyên nhân chính của những tiêu cực trong hoạt động Tư pháp và bổ trợ Tư pháp thời gian qua là nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức hạn chế, chạy theo lối sống vật chất, thích hưởng thụ nên chủ động thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng, không chống lại được sự tấn công, mua chuộc và sự cám dỗ của đồng tiền…
Tương tự, ngành Tòa án và Kiểm sát cũng nhận ra một số thẩm phán chưa phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật công vụ, qui tắc ứng xử, qui chế công tác của cơ quan, đơn vị hoặc có những hành vi ứng xử với người dân không xứng đáng với tư cách người thẩm phán. Một số điều tra viên, kiểm sát viên năng lực, trình độ còn hạn chế, lại thiếu bản lĩnh nên dễ dàng “nhắm mắt làm sai” vì tư lợi…
Theo ông Trần Văn Tú – nguyên Phó Chánh án TANDTC, “công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng có một số mặt hạn chế, chưa được coi trọng” chính là gốc rễ khiến một bộ phận cán bộ chạy theo đồng tiền nên lơ là trọng trách. Nhưng với nhiều chuyên gia, đó còn là do chế độ, chính sách chưa đảm bảo cho cán bộ tư pháp khả năng “dưỡng liêm”, chưa tương xứng với sự phức tạp, áp lực của công việc nên họ phải “kiếm thêm thu nhập từ bên ngoài”, phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Dưới góc nhìn từ một hoạt động bổ trợ Tư pháp là hoạt động luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn chỉ ra “góc khuất” của bộ phận không nhỏ cán bộ tư pháp và cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong hoạt động luật sư. Đó là tình trạng quan liêu, cục bộ, tha hóa của cán bộ đã gây khó khăn cho công dân và cản trở quyền hành nghề của luật sư.
Từ đó, một số luật sư “nương theo dòng nước”, không đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của cán bộ Tư pháp mà lựa chọn phương thức thỏa hiệp với các tiêu cực này, thậm chí có hành vi “chung chi”, “chạy án” với cán bộ tư pháp để thuận lợi cho hoạt động hành nghề…
Đãi ngộ thỏa đáng để… “dưỡng liêm”
Tuy chỉ là tiêu cực, tham nhũng của một bộ phận cán bộ nhưng đã gây ra nguy hại rất cao cho xã hội do xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì thế, “muốn xây dựng hoạt động Tư pháp trong sạch, vững mạnh thì phải “xốc” lại đội ngũ cán bộ.” - bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, ông Trần Văn Thuân – Phó Chánh án TANDTC cho rằng, “mục tiêu phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp là làm trong sạch đội ngũ cán bộ Tư pháp”, làm nền tảng cho nền Tư pháp không còn tiêu cực phát sinh.
Trước thực tế không né tránh được là do đời sống của cán bộ chưa được đảm bảo dẫn đến tiêu cực, ông Nguyễn Doãn Khánh – Trưởng ban Nội chính T.Ư nhấn mạnh yêu cầu “quan tâm đến vấn đề con người, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp, đầu tư cải thiện môi trường và làm việc cho các cơ quan Tư pháp”; đồng thời “có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác Tư pháp và bổ trợ Tư pháp.” – ông Lê Văn Thư, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cải cách thủ tục Hành chính và Tư pháp, Bộ Công an kiến nghị.
Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh người vi phạm cũng là giải pháp cần thiết để cán bộ Tư pháp “không dám tiêu cực”. Tuy nhiên, với ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng VKSNTC, cần quan tâm xử lý cả người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu nếu để xảy ra tiêu cực trong đơn vị bởi thực tế, việc người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý, không chủ động phát hiện hoặc nể nang, né tránh, vì “bệnh thành tích” mà không xử lý kịp thời sai phạm, tiêu cực của cán bộ.
Và một vấn đề cần quan tâm trong giải pháp về con người được các cơ quan Tư pháp nhấn mạnh là việc khắc phục những “kẽ hở” luật pháp đang tạo điều kiện cho cán bộ tư pháp có hành vi tiêu cực, làm khó, nhũng nhiễu người dân, tổ chức. Trong nhiều giải pháp để phòng, chống tiêu cực của Công an TP. Hà Nội, đáng chú ý là việc thực hiện rà soát các qui định về qui trình, qui chế trong hoạt động của Công an TP để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, xây dựng mới các qui định cho phù hợp thực tiễn và tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
“Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tiêu cực do tiêu cực trong cán bộ, chiến sĩ thì vi phạm qui trình, qui chế công tác chiếm tỷ lệ lớn” - đại diện Phòng Pháp chế và Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, Công an TP.Hà Nội cho biết.
Một nguyên nhân khiến cán bộ Tư pháp có hành vi tiêu cực là do “cán bộ ngồi sai chỗ” nên không đủ năng lực thực hiện công vụ, dễ sai sót dẫn đến hạn chế hiệu quả phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Do đó, theo Bộ Công an, việc bố trí, sắp xếp cán bộ phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất, yêu cầu nhiệm vụ chứ không thể vì cảm tình, nể nang, thiên vị.
Và, bằng kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng – Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa lưu ý: “Cần nghiêm cấm sự can thiệp của các cơ quan vào hoạt động tư pháp, tăng cường kiểm tra liên ngành để hạn chế sai phạm bằng việc phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý”./.