Nhận định trên được đưa ra tại “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13” do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever đồng chủ trì sáng qua (26/11), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị cho thấy, thu hồi tài sản bị tham nhũng là một thách thức lớn, đòi hỏi phải nỗ lực tìm ra giải pháp khắc phục vì tham nhũng đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước và tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và công tác PCTN nói chung cũng như phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do điều kiện trong nước và tính phức tạp của hai vấn đề này.
“Nở rộ” vì… giao dịch bằng tiền mặt
Đánh giá về nỗ lực PCTN của Việt Nam, ông Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tình trạng trầm trọng của các hành vi tham nhũng, đưa ra chiến lược quốc gia về PCTN và cam kết mạnh mẽ trong PCTN. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là Việt Nam phải triển khai và có những hành động thiết thực để những chính sách, chiến lược, kế hoạch PCTN đó thực sự có được hiệu quả bền vững trong phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, chính sách PCTN của Việt Nam luôn coi trọng nguyên tắc “tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” trong các quy định pháp luật về xử lý tội phạm tham nhũng. Trong thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng có tiến bộ, song theo nhận định chung của các chuyên gia, công tác thu hồi tài sản tham nhũng là rất phức tạp, cả từ góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, khó xử lý trong công tác PCTN.
Thanh tra Chính phủ thừa nhận trong thời gian qua, việc thu hồi tài sản tiến triển chưa được tốt. Năm 2013, tỷ lệ tài sản thu hồi đạt trên 10%, năm 2014 đạt trên 22% tài sản tham nhũng. Theo số liệu của VKSNDTC, từ 1/10/2010 đến 30/4/2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng trên 17.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản thu hồi được khoảng gần 5.000 tỷ đồng (chiếm 29,4%).
“Tuy có sự tiến bộ rõ nét nhưng theo yêu cầu thì thu hồi tài sản vẫn còn đạt rất thấp, nên cần tìm ra được giải pháp để làm sao thu hồi tài sản phải đạt cao hơn” – Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, do thời gian xử lý một số vụ án dài nên đương sự có thời gian để tẩu tán tài sản, khâu giám định mất thời gian nên tài sản bị hư hao, mất mát khá nhiều, chế tài chưa được mạnh nên việc thu hồi tài sản chưa mang lại hiệu quả.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định là hệ thống pháp luật hiện hành nhìn chung còn mang tính nguyên tắc về tịch thu tài sản tham nhũng. Chủ yếu việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua kết án hình sự trong khi chưa có qui định rõ ràng về thu hồi tài sản không qua kết án hình sự, kể cả việc thu hồi tài sản theo thủ tục hành chính cũng chưa có qui định rõ ràng về thu hồi tài sản, hậu quả pháp lý phát sinh và quan hệ hợp tác giữa các cơ quan liên quan... trong quá trình thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, khó khăn lớn nhất trong thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng và trong phát hiện, chứng minh, quản lý tài sản tham nhũng nói chung là xuất phát từ “văn hóa dùng tiền mặt” cùng với vai trò hệ thống ngân hàng trong kiểm tra dòng tiền chưa thực sự tốt, mức độ minh bạch tài sản chưa cao và tình trạng chưa phát triển của hệ thống đăng ký tài sản. Hiện ở Việt Nam chỉ có 3% giao dịch không dùng tiền mặt trong khi kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng: “Quốc gia nào càng dùng tiền mặt nhiều trong giao dịch thì càng tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển và “rửa tiền” nở rộ”.
Ngăn chặn “tẩy rửa” tài sản từ tham nhũng
Căn cứ từ thực tiễn Việt Nam, nhiều giải pháp đã được đưa ra để tăng tỷ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi, trong đó nhấn mạnh đến việc thay đổi “văn hóa dùng tiền mặt”. Bà Virginia Foote – đồng chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam khẳng định, môi trường kinh doanh “trong sạch, minh bạch” là rất quan trọng nên để phòng ngừa tham nhũng, cần ưu tiên giải pháp “giảm giao dịch tiền mặt”.
Cùng với đó, cần phải có một cơ chế đột phá và tinh thần chủ động phối kết hợp từ các cơ quan liên quan mới có thể thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả, vì thực tế cho thấy việc phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan chưa được phát huy tốt cũng là một nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu.
Từ góc độ thể chế, chuyên gia trong và ngoài nước đều kiến nghị cần qui định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức hợp tác giữa các cơ quan trong nước với nhau và với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nhất là về thu hồi tài sản không qua kết án; đồng thời chỉ định cơ quan đầu mối quản lý tài sản được thu giữ, tịch thu từ các vụ án tham nhũng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu nhằm ngăn chặn hiệu quả việc hợp pháp hóa quyền sở hữu đối với tài sản tham nhũng qua các giao dịch dân sự, qui định thu hồi tài sản trong trường hợp làm giàu bất chính, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản...
Dẫn lại quyết tâm được thể hiện từ Đối thoại về PCTN lần thứ 12 về việc “DN Việt Nam phải nói không với tham nhũng, không đưa tiền cho quan chức”, ông Haike Manning - Đại sứ Newzeland tại Việt Nam - cũng ủng hộ nỗ lực của giảm thiểu giao dịch tiền mặt, tăng giao dịch điện tử của Chính phủ Việt Nam với người dân và lưu ý Việt Nam nên tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế và thương mại tự do với nhiều thỏa thuận đang được đàm phán để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính cạnh tranh và minh bạch của thị trường đầu tư nhằm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng.
* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
- Thu hồi tài sản là một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ làm giảm thiểu tổn thất do tham nhũng gây ra, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của những kẻ tham nhũng. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường thực thi pháp luật về thu hồi tài sản, nâng cao năng lực hiệu quả của các cơ quan chuyên trách đấu tranh PCTN, tăng cường kiểm tra, thanh tra và phối hợp chặt chẽ trong hợp tác quốc tế...
* Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:
Thực tiễn PCTN cho thấy, phòng ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong PCTN, vì phòng ngừa sẽ ngăn chặn ngay từ đầu các điều kiện, cơ hội để hành vi tham nhũng có thể hình thành, phát sinh và gây ra hậu quả cho xã hội. Trong khi đó, thu hồi tài sản tham nhũng là nhằm khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho Nhà nước, xã hội và triệt tiêu động cơ của tội phạm tham nhũng, là một trong các thước đo hiệu quả của công tác PCTN.