Cần 'chặn tận gốc' hành vi xem nhẹ văn hóa giao thông của một bộ phận giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều nhóm phượt, hội xe đạp ngang nhiên lấn chiếm lòng, lề đường, đi vào đường cấm, thực hiện các hành vi nguy hiểm và vi phạm luật giao thông. Những hành vi này cần được xử lý nghiêm để răn đe và làm gương.
Một nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy xe tốc độ cao trên đường phố Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình clip)
Một nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy xe tốc độ cao trên đường phố Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình clip)

Liên tiếp diễn ra hành vi vi phạm luật giao thông từ “phượt thủ”

Mới đây nhất, dư luận bức xúc với sự việc một đoàn xe của một nhóm phượt thủ trẻ đã chạy cực kỳ nhanh, có nhiều động tác nguy hiểm ở địa phận đảo Cát Bà. Đoàn phượt thủ có 7 người đi trên 7 xe mô tô phân khối lớn đã tự quay clip về hành vi của mình và tung lên mạng xã hội. Trong clip cho thấy, nhóm này điều khiển xe mô tô phân khối lớn chạy với tốc độ lên đến 274km/giờ trên tuyến đường 356 xuyên đảo Cát Bà, trong đó có những đoạn ôm cua gây “rợn tóc gáy” cho người xem.

Một vụ việc đình đám mới xảy ra cách đây không lâu, đó là việc đoàn xe máy gồm 10 chiếc do một nhóm thanh niên điều khiển lưu thông trái quy định trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với tốc độ cao. Nhóm này còn vi phạm hàng loạt quy định khác như không có biển số xe, điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy chở 3 - 4 người...

Cũng mới đây, đoàn xe môtô phân khối lớn 30 chiếc do nhóm phượt thủ điều khiển trái phép vào cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Khi bị lực lượng cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng, một đối tượng trong đoàn đã không chấp hành, đâm vào chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Có thể thấy, chỉ trong vòng vài tháng qua đã liên tục xảy ra các vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do các nhóm phượt trẻ tuổi thực hiện, khiến dư luận phẫn nộ. Những hành vi tổ chức phượt khi phương tiện không bảo đảm, độ xe sai quy cách, cầm cờ, tháo biển số, dùng biển số giả, chạy quá tốc độ, la hét trên đường, gây mất trật tự an toàn giao thông là không hiếm.

Và hành vi vi phạm cũng không chỉ giới hạn ở những nhóm trẻ điều khiển xe máy. Có không ít đoàn xe đạp thời gian qua cũng gây bức xúc vì thiếu ý thức giao thông như lấn chiếm đường dành cho các phương tiện khác, chạy vào đường cấm, không dừng đèn đỏ... Cách đây không lâu, một nhóm có khoảng 20 người tạo thành một đoàn xe đạp lưu thông trên đường dành cho ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp, hướng sân bay Nội Bài khiến một lái xe đi đúng làn phải giảm tốc độ. Khi lái xe này dừng lại nhắc nhở, đoàn xe đạp đã có hành vi xúc phạm, đe dọa lái xe. Những hành vi này khiến những người chạy xe đạp với tinh thần thể thao chân chính bị ảnh hưởng, vạ lây.

Cần xử lý tận gốc

Những hành vi nổi loạn, bất chấp luật giao thông của giới trẻ có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như nguy cơ thương tật, tử vong, các hậu quả tinh thần ảnh hưởng lâu dài đến người thân và gia đình. Không chỉ thế, những hành vi như trên gây ra nhiều tác động xấu cho xã hội, làm mất trật tự an ninh, cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

Điều đáng nói là những vụ việc vi phạm luật an toàn giao thông đình đám hầu hết đều được tung lên mạng do bên thứ ba, hoặc do những người vi phạm tự quay hình tung lên. Vô hình trung khiến các hành vi này được lan rộng trên không gian mạng, thế nên, nếu không xử lý rốt ráo sẽ trở thành một tiền lệ xấu, gây nên tình trạng “nhờn luật” trong giới trẻ.

Đặc biệt, không ít người trong số này còn coi việc quay video vi phạm luật giao thông, đùa giỡn với sinh mạng như một “chiến tích”, dùng để “câu view”, muốn nổi tiếng trên mạng. Một khi xuất hiện trên mạng, ngoài luồng dư luận phê phán, còn không ít cá nhân nhận thức lệch lạc đã tham gia chia sẻ, lan truyền với mục đích tung hô các hành vi này. Chính vì thế, để xử lý triệt để ngăn ngừa những hành vi nói trên và chặn đứng những tác động xấu của nó đến cộng đồng, ngoài việc dùng các chế tài, quy định pháp luật để xử phạt nghiêm các cá nhân vi phạm, còn cần quan tâm đến những hành vi chia sẻ, phát tán, ủng hộ các hành vi này trên mạng xã hội. Đặc biệt, những cá nhân vi phạm và tự ý tung lên mạng để “câu view”, trục lợi thì càng cần xử lý mạnh tay theo pháp luật (như trường hợp người mẫu N.T vừa qua).

Ngoài ra, vấn đề truyền thông xã hội, đẩy mạnh giáo dục về ý thức tuân thủ luật giao thông trong nhà trường và trong gia đình rất quan trọng trong việc “chặn tận gốc” các hành vi nổi loạn, vi phạm an toàn giao thông và trật tự xã hội như trên.

Đọc thêm