Cần chính sách 'đẩy' doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng đều mỗi năm nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tham gia được vào chuỗi sản xuất của DN FDI tăng chưa tương xứng. Do đó, cần có những chính sách để “đẩy” DN nội địa tiến vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nhiều ngành Công nghệ hỗ trợ sẽ được ưu đãi chính sách cấp bù lãi suất. (Nguồn ảnh: Báo Công Thương.
Nhiều ngành Công nghệ hỗ trợ sẽ được ưu đãi chính sách cấp bù lãi suất. (Nguồn ảnh: Báo Công Thương.

Tập đoàn lớn muốn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa

Hiện tại, số lượng DN nội địa đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút vốn FDI. Nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều DN, tập đoàn lớn đang có xu hướng xây dựng cứ điểm sản xuất ở Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp hàng không đang được nhắc đến như một loại hình mới, nhiều tiềm năng.

Theo đánh giá của nhiều DN lớn về công nghiệp hàng không, ngành này tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn sản xuất máy bay, hàng không vũ trụ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng máy bay, các DN Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng đối với ngành hàng không.

Ông Ishida Takayuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển CNHT Việt Nam - Nhật Bản nhận định, việc tìm kiếm mở rộng chuỗi cung ứng của Boeing và các nhà máy sản xuất máy bay khác tại Việt Nam sẽ là cơ hội cho ngành công nghiệp máy bay Việt Nam và cho các DN Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Ishida Takayuki, dự kiến trong 20 năm tới, sẽ có khoảng 42.600 chiếc máy bay mới được sản xuất, trong đó, khu vực châu Á chiếm khoảng 21%. Hiện, ở Việt Nam, có 5 công ty có vốn FDI có thể sản xuất cho Boeing. “Thật đáng tiếc là hiện giờ chưa có một DN Việt Nam đủ điều kiện sản xuất cho Boeing. Trong khi đó, Boeing đã có cam kết sẽ hỗ trợ cho DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, sản xuất linh kiện phụ trợ. Tập đoàn này cũng muốn mở hội thảo để tìm hướng cho các DN Việt Nam có thể tham gia trong chuỗi cung ứng linh phụ kiện hàng không vũ trụ” - ông Ishida Takayuki thông tin.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra vào một nguyên nhân sẽ rất khó khắc phục nếu muốn DN Việt Nam vào sâu hơn các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Đó là vấn đề giá. “Muốn vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, giành được đơn hàng thì phải rẻ hơn hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các DN CNHT Việt Nam vì các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay...” - đại diện Cục Công nghiệp nói.

Nhiều DN CNHT, các hiệp hội cũng đã từng đưa ra kiến nghị, cần có phương án, cách thức nào đấy để các tổ chức ngân hàng tạo điều kiện cho các DN CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN CNHT phải đầu tư 2 - 3 năm, thậm chí 5 - 10 năm mới có lãi.

Thực hiện chính sách cấp bù lãi suất

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Tại tờ trình này, Bộ Công Thương xác định sẽ có khoảng 5.000 DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN.

Ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Trong đó đáng chú ý là chính sách cấp bù lãi suất.

Theo đó, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam cho DN thực hiện đầu tư dự án CNHT. Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi vay với các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư cũng với đó là các chính sách hỗ trợ môi trường, đất đai.

Theo dự thảo, mức cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%/năm. Với chính sách này, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần trong cùng một giai đoạn nếu dự án đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng khác từ ngân sách nhà nước. Thời gian được Nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, ngoài những chính sách ưu đãi trong dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP, Cục Công nghiệp cũng sẽ xây dựng cơ chế, tham mưu các chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, đặt hàng của các DN trong nước.

Đọc thêm