Cần chính sách kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho Tây Nguyên trong đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, đòi hỏi phải có các giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản linh hoạt, sáng tạo để cung ứng thực phẩm ra thị trường mà không bị mất giá.
Rau, củ, quả của huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đưa vào hỗ trợ cho nhân dân TP Hồ Chí Minh
Rau, củ, quả của huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đưa vào hỗ trợ cho nhân dân TP Hồ Chí Minh

Đầu ra khó khăn, gặp dịch càng thêm khó

Các tỉnh Tây Nguyên hiện đang vào vụ thu hoạch nông sản nhưng gặp rất nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra ổn định, trong khi đó nhu cầu rau xanh, các loại củ quả ở các thành phố lớn, khu công nghiệp lại thiếu trầm trọng, phải cứu trợ, người dân ở Thành phố phải mua với giá rất cao, đã đội lên gấp 4 - 5 lần, thậm chí gấp 10 lần.

Đến đầu tháng 9, Đắk Lắk tiêu thụ được hơn 40.000 tấn sầu riêng, đạt khoảng 40% sản lượng cả vụ. Bơ tiêu thụ khoảng 58.500 tấn, đạt hơn 70% sản lượng. Cả hai loại trái cây đều chỉ tiêu thụ nội địa (100%). Giá sầu riêng và bơ trong vụ mùa năm nay đều giảm khoảng 20% - 30% so với mùa vụ năm 2020. Gia Lai đang vào mùa thu hoạch rộ rau củ quả, trái cây nhưng các địa điểm tiêu thụ đều đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19, dẫn đến tiêu thụ gặp khó, sản lượng giảm đến 1/3 trong khi giá bán cũng giảm từ 20-30%.

Về sản phẩm chăn nuôi, còn một số trang trại nuôi gà trắng đã đến thời điểm xuất bán nhưng chưa lưu thông được do hệ thống nhà hàng ở các thị trường chính đều phải đóng cửa, đàn gà đang tồn đọng trên 30.000 con.

Năm nay, Đắk Lắk thu hoạch khoảng 100 tấn sầu riêng. Ảnh: internet

Năm nay, Đắk Lắk thu hoạch khoảng 100 tấn sầu riêng. Ảnh: internet

Những sản phẩm đặc trưng và rất ngon tại Gia Lai như chả cá Thác lác hồ Ayun Hạ - huyện Phú Thiện – Gia Lai, tới lứa xuất bán mà vẫn không có đơn vị đến mua và tiêu thụ, hằng ngày phải chi tiền mua thức ăn cho cá, dẫn đến chi phí duy trì và kéo dài, làm cho giá thành tăng cao, HTX bị lỗ. Có thể nói rất khó tìm đầu ra cho thời điểm này vì vậy việc tìm ra giải pháp nâng cao giá trị cho nông sản Tây Nguyên hiện nay là rất cấp thiết.

Dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác thương mại cũng như hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, thủ tục xuất khẩu sang các nước gặp khó khăn hơn, Các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu như Hội nghị, Hội thảo, Hội chợ,… phải tạm hoãn hoặc không tổ chức ảnh hưởng đến các hoạt động quảng bá, trực tiếp giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Đứng trước những khó khăn do dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, từ những thực tế bất cập này rất cần sự phối hợp chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ nơi sản xuất đến các điểm bán lẻ để sớm khắc phục, tìm ra đáp án và tiếng nói chung trong sản xuất và tiêu thụ, hạn chế thấp nhất khó khăn nhằm duy trì và phát triển các mặt hàng rau, củ, quả không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày của nhân dân thành phố, cũng như duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương.

Nắm nhu cầu thị trường, chủ động đầu ra

Theo các chuyên gia, để tăng cơ hội tiêu thụ nông sản cho các tỉnh Tây Nguyên và đưa nông sản đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, doanh nghiệp và các chủ HTX cần có sự tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường cho những thời điểm mà thị trường cần sản lượng nhiều, để có kế hoạch tổ chức liên kết sản xuất phù hợp.

Nhà vườn cần phải tham gia các HTX, Tổ nông hội, hợp tác sản xuất, sơ chế và cung ứng; kết nối thông tin kế hoạch sản xuất và thời điểm xuống giống, chăm sóc để có thể chủ động được sản lượng thu hoạch đều trong năm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng rau củ quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai khó tiêu thụ. Ảnh minh họa: Báo Gia Lai

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng rau củ quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai khó tiêu thụ. Ảnh minh họa: Báo Gia Lai

Cần lên kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối ở các Thành phố lớn, khu công nghiệp…, để chủ động được việc canh tác và không để tình trạng ùn ứ khi thu hoạch cùng một lúc, không có người mua, dẫn đến phải giảm giá để bán được số lượng lớn đó, có thể xuống giống, rải vụ gối đầu. Cần chuẩn hoá chuỗi sản xuất và cung ứng, quy trình, cách làm việc của bộ phận kinh doanh và phối hợp nhịp nhàng, kết nối với các bộ phận khác khi có thông tin về đơn hàng và đáp ứng tiến độ, chất lượng.

Ngoài ra, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là tạo thuận lợi cho các HTX và doanh nghiệp cung cấp nông sản Tây Nguyên được ra vào thành phố trong điều kiện vừa kiểm soát được dịch bệnh không để lây nhiễm trong cộng đồng, vừa đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, không để người bán lẻ đẩy giá lên quá cao.

Có biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với người lái xe đơn vị vận chuyển, tạo điều kiện cho họ điều khiển phương tiện và an tâm tiếp cận với người dân để sản phẩm sản xuất ra cung ứng kịp thời đến nhân dân các Thành phố với giá hợp lý, không để chênh lệch quá lớn như hiện nay, người nông dân phải bán với giá quá thấp, không duy trì được sản xuất trong khi người tiêu dùng lại mua với giá quá cao do vận chuyển không kịp thời làm cho hàng hóa hư hỏng cũng như không kiểm soát được khâu bán lẻ.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Tổ công tác 970 cùng với sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các địa phương, các doanh nghiệp sẽ tháo gỡ từng bước cho nông sản Tây Nguyên phát triển ổn định kết nối với các chuỗi siêu thị, thị trường bán lẻ, đồng thời giúp người dân thành phố có nguồn thực phẩm chất lượng với giá phù hợp.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm