Cần chính sách ưu tiên nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật

(PLVN) - Đây là một trong số những kiến nghị được nhiều Bộ, ngành, địa phương nêu lên nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác xây dựng pháp luật, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác này.
Cần quan tâm nâng cao chất lượng và chế độ chính sách dành cho cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp (ảnh MH, nguồn moj.gov.vn)
Cần quan tâm nâng cao chất lượng và chế độ chính sách dành cho cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp (ảnh MH, nguồn moj.gov.vn)

Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật

Qua hơn 8 năm thi hành, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã bộc lộ một số vướng mắc. Các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều kiến nghị, đề xuất trong việc nghiên cứu, sửa đổi Luật này.

Theo đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Nguyễn Công Anh kiến nghị đối với việc xây dựng pháp luật ở địa phương, cần phân biệt rõ trường hợp nào HĐND ban hành, trường hợp nào UBND ban hành. Xem xét việc mở rộng thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện trong một số trường hợp để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước ở địa phương, phù hợp với quy định của cấp trên để tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp huyện. Xem xét, ban hành quy định về việc tổ chức xin ý kiến của cấp ủy cùng cấp trong một số trường hợp ban hành VBQPPL.

Đối với quy trình xây dựng Luật ở Trung ương, cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật trong các khâu lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, soạn thảo, thông qua dự thảo Luật theo các trình tự, thủ tục gọn nhẹ hơn, thành phần hồ sơ ít hơn nhưng chất lượng hơn; chú trọng vào việc tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, Nhân dân theo hướng đổi mới, tập trung vào những nội dung lớn, liên quan, điều chỉnh trực tiếp đến các quan hệ xã hội.

“Cần có quy định cụ thể về việc xác định hiệu lực của văn bản trong một số trường hợp, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố và chuẩn bị thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù. Trong trường hợp này, nếu không có những nguyên tắc áp dụng văn bản riêng thì sẽ có thể dẫn đến trường hợp các Luật ban hành sau sẽ quy định khác với Luật Thủ đô, nghị quyết đặc thù về cùng một vấn đề. Khi đó, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, sẽ phải áp dụng luật ban hành sau, như vậy, hiệu lực của Luật Thủ đô, các nghị quyết đặc thù sẽ bị ảnh hưởng, có quy định sẽ mất hiệu lực”, ông Công Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần có cơ chế bảo đảm tốt hơn cho công tác xây dựng pháp luật, tăng cường lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương với chế độ đãi ngộ phù hợp và chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; quy định về chế độ, định mức chi kinh phí phù hợp cho hoạt động xây dựng pháp luật.

Cần giải pháp đột phá về nguồn nhân lực

Từ thực tiễn xây dựng pháp luật thời gian qua, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng kiến nghị về việc cải cách đồng bộ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, tổ chức thi hành pháp luật với cải cách công tác cán bộ, vị trí việc làm, chế độ, tiền lương cho công chức làm công tác xây dựng pháp luật, bố trí kinh phí xây dựng VBQPPL, tổ chức thi hành pháp luật.

Trong đó chú trọng đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật; có chính sách thu hút những người thực sự có đức, có tài, có tầm nhìn và năng lực trong hoạch định chính sách pháp luật làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách ưu tiên nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật và coi đây là giải pháp đột phá trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, bà Hạnh cũng kiến nghị đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình thi hành pháp luật để có dữ liệu, thông tin chính xác, đầy đủ làm cơ sở cho việc đánh giá thực tiễn, tổng kết thi hành trong quá trình xây dựng pháp luật.

Còn ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tác động chính sách toàn diện, đa chiều, phù hợp điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo VBQPPL. Tăng cường công khai, minh bạch và đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo VBQPPL.

Cần nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm khi thực hiện công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo VBQPPL; nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị chủ trì thẩm định, thẩm tra cũng như của các cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó cần bảo đảm các điều kiện trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí thỏa đáng cho công tác xây dựng và ban hành VBQPPL.

Ngoài ra, ông Sơn cũng lưu ý về việc cần đánh giá toàn diện về việc giao thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương, trong đó nghiên cứu theo hướng tạo cơ chế được phép ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của chính quyền cấp huyện trong điều kiện bảo đảm, thống nhất, tương thích về thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đọc thêm