Cần chú trọng hơn công tác hậu giám sát

(PLVN) - Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 tại phiên họp của Quốc hội sáng 21/7, nhiều đại biểu cho rằng cần chú trọng hơn tới công tác hậu giám sát; Quốc hội khi lập chương trình giám sát cần đặt ra việc hậu giám sát để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.

Đề xuất 4 chuyên đề giám sát

Trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội (QH) năm 2022 tại phiên họp, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường nêu rõ, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là thời gian chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ QH khóa XIV và khóa XV với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, QH đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành cho phù hợp với thực tiễn, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát tối cao của QH vẫn còn có những hạn chế, như thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động “hậu giám sát” còn hạn chế, chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu QH đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, một số yêu cầu trong nghị quyết chất vấn còn chưa có định lượng cụ thể; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc không bảo đảm về mặt pháp lý hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá...

Đối với giám sát chuyên đề năm 2022, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã lựa chọn 4 chuyên đề trình QH xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát. Bốn chuyên đề được đề xuất bao gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.

Kiến nghị giám sát 2 gói hỗ trợ khó khăn do đại dịch

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới. Do đó, cần có kịch bản cho việc đi lại, bố trí nhân sự tham gia đoàn, lãnh đạo đoàn giám sát theo hướng danh sách mở, tức là khi khu vực nào có dịch thì phân công đại diện đoàn giám sát ở khu vực đó thực hiện. Về tài liệu giám sát, đánh giá báo cáo của các đơn vị gửi về phục vụ công tác giám sát thời gian qua chưa đảm bảo chất lượng, Đại biểu Ngân kiến nghị gửi báo cáo sớm, với đầy đủ số liệu cho thành viên của đoàn giám sát; có thể có thêm sự thẩm định, tư vấn của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia để giúp đoàn có đủ cơ sở thực tiễn, khoa học, từ đó đảm bảo hiệu quả của hoạt động giám sát. Đại biểu cũng kiến nghị cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu QH, tổ đại biểu QH thực hiện quyền giám sát của mình tại cơ sở.

Về các chuyên đề giám sát, Đại biểu Ngân tán thành với việc QH giám sát tối cao chuyên đề về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và quy hoạch. Cho rằng dịch bệnh COVID-19 vẫn rất khốc liệt, có thể tiếp tục tái đi tái lại đến năm 2022, Đại biểu Ngân kiến nghị giám sát 2 gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch trị giá 62.000 tỷ và 26.000 tỷ đồng được ban hành năm 2020 và 2021. Còn Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị thay chuyên đề 1 và chuyên đề 4 bằng các chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị công lập.

Tại phiên họp, một số đại biểu cũng đề nghị chú trọng hoạt động “hậu giám sát”. Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, từ nhiệm kỳ khóa XV, QH khi lập chương trình giám sát cần đặt ra việc “hậu giám sát” để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo QH. “Chúng ta có chương trình giám sát công phu nhưng sau đó kết quả thực hiện những kiến nghị ra sao cần hết sức lưu ý. Kể cả những kiến nghị của các đoàn giám sát với các ngành và Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị đó một cách cụ thể”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá công tác “hậu giám sát” thời gian qua còn thấp, chậm, thậm chí có nơi không đi hậu giám sát. “Chúng ta cần có quy trình hậu giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát đã được các địa phương, đơn vị, bộ, ngành thực hiện đến đâu, kết quả ra sao”, Đại biểu nói.

Đọc thêm