“Cần chú trọng việc phát hiện, nhân rộng gương người tốt, việc tốt”

“Thực tiễn cho thấy, đối với ngành Tư pháp, có rất nhiều cán bộ, công chức rất tâm huyết với công việc, có những cống hiến thầm lặng mà có khi không ai biết đến. Bởi vậy, muốn công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực đối với mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp, tôi cho rằng các đơn vị, nhất là cấp cơ sở, phải chú trọng việc phát hiện,  biểu dương các sáng kiến, các cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt”

“Thực tiễn cho thấy, đối với ngành Tư pháp, có rất nhiều cán bộ, công chức rất tâm huyết với công việc, có những cống hiến thầm lặng mà có khi không ai biết đến. Bởi vậy, muốn công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực đối với mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp, tôi cho rằng các đơn vị, nhất là cấp cơ sở, phải chú trọng việc phát hiện,  biểu dương các sáng kiến, các cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt” – ông Nguyễn Bá Yên, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng chia sẻ về một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng năm 2012.

Ông Nguyễn Bá Yên - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng  Bộ Tư pháp
Ông Nguyễn Bá Yên - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ Tư pháp

Từng bước đổi mới công tác thi đua – khen thưởng

Khi hưởng ứng phong trào “Toàn ngành Tư pháp ra sức thi đua về đích sớm các nhiệm vụ được giao”, các cán bộ, công chức ngành Tư pháp rất kỳ vọng vào việc công tác thi đua, khen thưởng của Ngành được đổi mới, trở thành động lực phấn đấu. Xin ông cho biết năm nay Vụ Thi đua – Khen thưởng có giải pháp gì để đổi mới công tác này?

- Muốn đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng, bên cạnh phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo chuyên đề, tôi cho rằng cần phải chú trọng công tác khen thưởng đột xuất và hạn chế tính hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng.

Tôi đi nhiều nơi, thấy có nhiều cán bộ tư pháp rất tâm huyết với công việc, cống hiến thầm lặng mà có khi không ai biết đến. Những con người tâm huyết đó, nếu cứ theo quy trình thi đua, khen thưởng thường xuyên hiện hành thì rất ít khi được biểu dương, khen thưởng, trong khi sự phát hiện, biểu dương từ cơ sở đối với những cống hiến của họ nhiều khi cũng còn rất hạn chế. Bởi vậy, muốn đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trước hết phải chú trọng đẩy mạnh việc phát hiện, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, đồng thời áp dụng nhiều hình thức thi đua và nhiều hình thức khen thưởng.

Nếu đã là những cống hiến thầm lặng thì rất khó để phát hiện và biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, thưa ông?

- Thực ra, việc phát hiện, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến từ cơ sở không phải là quá khó nếu như được Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS thực sự quan tâm, chú trọng, phát hiện từ thực tiễn công tác. Theo tôi, việc phát hiện các tấm gương người tốt, việc tốt có thể được thực hiện qua nhiều kênh, ví dụ như qua kết quả thực tiễn các phong trào thi đua, qua các chuyến công tác của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị, qua các đợt kiểm tra các phong trào thi đua mà phát hiện được tập thể A, cá nhân B có những nhân tố mới, có cách làm hay, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành.

Về hình thức khen thưởng thì cần đồng thời áp dụng nhiều hình thức khen thưởng để biểu dương kịp thời. Bên cạnh hình thức khen thưởng thường xuyên, có thể áp dụng hình thức khen thưởng đột xuất, biểu dương qua những đợt tổng kết phong trào theo chuyên đề. Tôi cho rằng đó chính là những việc nên làm.

Hạn chế tính hình thức, nuôi dưỡng phong trào thi đua

Nói đến công tác thi đua, khen thưởng, nhiều người thường e ngại tính hình thức của công tác này. Nếu đã chú trọng việc đẩy mạnh hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng thì theo ông có giải pháp gì để hạn chế tính hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng không?

- Đúng là khi đánh giá lại, bên cạnh những thành tích quan trọng mà công tác thi đua, khen thưởng đã đạt được thì công tác này vẫn còn tồn tại một hạn chế cơ bản, đó là còn mang tính hình thức. Hạn chế này theo đánh giá thì không phải chỉ tồn tại ở Bộ ta, ngành ta, mà là tồn tại nói chung của công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước. Biểu hiện của nó rất dễ nhận thấy qua việc khi phát động thì “trống dong cờ mở”, “hoành tráng”, nhưng khi thực hiện thì có khi sao nhãng, bỏ bê…

Cho nên, muốn khắc phục tính hình thức đó thì  phải gắn việc phát động thi đua với công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, phong trào thi đua phải gắn với những công việc, nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, thiết thực của từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức. Nếu thi đua mà không gắn với những công việc cụ thể được giao cho mỗi cá nhân, tập thể thì nó sẽ mang tính hình thức.

Một giải pháp nữa để hạn chế tính hình thức mà tôi cho là cũng rất quan trọng, đó là thi đua phải gắn với khen thưởng. Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là gặt hái”. Giống như những người làm nông nghiệp, muốn có gặt hái tốt thì phải có gieo trồng, chăm sóc tốt. Do đó, mỗi đơn vị cần chú trọng việc nuôi dưỡng phong trào thi đua để đến cuối năm được khen thưởng.

Bên cạnh đó, phải tăng cường việc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành với phương châm tăng cường quyền hạn gắn với nâng cao trách nhiệm… Những giải pháp đó nếu được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần làm giảm tính hình thức, động viên phong trào.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012, Vụ Thi đua – Khen thưởng có đặt ra yêu cầu kiện toàn Hội đồng thi đua các cấp; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cụm, Khu vực thi đua trong toàn ngành, ông có cho rằng đây là một giải pháp hiệu quả?

- Việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thi đua các cấp là một giải pháp rất quan trọng. Hội đồng thi đua khen thưởng làm việc theo chế độ tập thể, cho nên, nếu Hội đồng làm việc không đến nơi đến chốn thì không những tham mưu không chuẩn mà còn dẫn đến sai lệch. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp, để các thành viên trong Hội đồng thống nhất về mặt nhận thức, mục đích hoạt động, có sự tham mưu cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng một cách chuẩn xác, khách quan.

Hiện chúng tôi đang xây dựng Dự thảo trình Bộ trưởng ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Cụm, Khu vực thi đua và Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, đồng thời cũng đã có kế hoạch tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng từ Bộ cho đến cấp cơ sở

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Kế hoạch công tác năm 2012 của Vụ Thi đua – Khen thưởng đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, năm nay, nhiệm vụ công tác của Vụ Thi đua – Khen thưởng sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua; Xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản về thi đua, khen thưởng; Rà soát, thẩm định hồ sơ; Các nhiệm vụ khác và Kiện toàn tổ chức bộ máy của Vụ.

Đáng chú ý, trong nhóm nhiệm vụ Tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua, Vụ Thi đua – Khen thưởng sẽ tập trung thực hiện các công việc:

- Tham mưu cho Bộ trưởng và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ngành tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua năm 2012 trong toàn Ngành với chủ đề “ Ngành Tư pháp ra sức thi đua về đích sớm các nhiệm vụ được giao”

- Phát động phong trào thi đua theo chuyên đề với chủ đề “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”.

- Phát động phong trào thi đua theo chuyên đề với chủ đề: “Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp và Thi hành án dân sự địa phương tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

- Xây dựng và tổ chức, thực hiện kế hoạch kiểm tra phong trào thi đua, công tác khen thưởng của các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

-Tham mưu, giúp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ngành phát hiện, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gắn kết công tác thi đua với khen thưởng.

Cụm thi đua số II khối các đơn vị thuộc Bộ:

Ký Giao ước thi đua năm 2012

Hôm qua (6/3), Cụm thi đua số II gồm 8 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Trường Đại học Luật, Học viện Tư pháp, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Trung cấp Luật Thái Nguyên, Trung cấp Luật Vị Thanh, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị phát động thi đua và ký kết Giao ước thi đua năm 2012. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cụm Trưởng Cụm thi đua số II – Q. Giám đốc NXB Tư pháp Nguyễn Kim Tinh cho biết: Thực hiện khẩu hiệu “đoàn kết, năng động, trí tuệ và phát triển”, năm 2012 các đơn vị trong Cụm sẽ tổ chức các đợt, các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của ngành. Với đặc trưng là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, báo chí và đào tạo, bồi dưỡng thì các đơn vị thuộc khối báo chí, xuất bản sẽ phấn đấu “Tăng doanh thu, nâng cao vị thế, uy tín trong làng báo chí, xuất bản”, các đơn vị thuộc khối đào tạo, bồi dưỡng sẽ “Xây dựng và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo cán bộ tư pháp”…

Theo Giao ước, các đơn vị trong Cụm thi đua số II đăng ký 1 Cờ thi đua ngành Tư pháp, 62 danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 17 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp dành cho tập thể; 15 danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp, 91 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp dành cho cá nhân…

Thục Quyên

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm