Hiện nay, cả nước có 177 trung tâm TVPL được thành lập và đăng ký hoạt động tại 61/63 tỉnh, TP, với tổng số 34 chi nhánh của trung tâm TVPL, số lượng này đã tăng gấp gần 3 lần so với giai đoạn trước khi ban hành NĐ 77. Các trung tâm TVPL hiện đang hoạt động theo 3 loại mô hình bao gồm: Miễn phí hoàn toàn, có thu thù lao, hỗn hợp (vừa miễn phí, vừa thu thù lao).
Lĩnh vực được các trung tâm TVPL thực hiện chủ yếu là các vấn đề pháp luật gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống hàng ngày với nhiều hình thức tư vấn đa dạng, được đổi mới thường xuyên như tư vấn trực tiếp tại trụ sở, tư vấn qua điện thoại, tổ chức tư vấn lưu động…
Qua thực tế hoạt động, đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng còn có một số quy định trong NĐ 77 gây khó khăn cho hoạt động TVPL và không phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Cụ thể, không cho phép tư vấn viên pháp luật tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và đương sự dẫn đến hạn chế kết quả TVPL, khiến tư vấn viên pháp luật không theo giải quyết đến cùng vụ việc tư vấn.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước can thiệp sâu vào quá trình hoạt động TVPL, quy định giao cho Sở Tư pháp cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật làm hạn chế vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với tổ chức hoạt động TVPL.
Đại diện Công đoàn tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về một số khó khăn khác như không phải trung tâm TVPL nào cũng có luật sư làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, hoạt động của các trung tâm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả nhưng NĐ 77 chưa có quy định rõ về nhiệm vụ này, hoạt động TVPL còn thiếu nguồn kinh phí nên không mở rộng được.
Để phát triển tổ chức và hoạt động TVPL trong thời gian tới theo hướng chuyên nghiệp hơn, cần tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa mô hình tổ chức, hoạt động của các trung tâm TVPL phù hợp với đặc thù của từng loại mô hình tổ chức chủ quản, theo vùng, miền, đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả. Trong 3 mô hình được đề xuất trao đổi là TVPL cộng đồng, hoàn toàn miễn phí; TVPL miễn phí và TVPL lấy thu bù chi như quy định của NĐ số 77 (mô hình hỗn hợp); hình thành các tổ chức hành nghề luật sư từ trung tâm TVPL hiện có và trên cơ sở mục tiêu, nhu cầu của tổ chức chủ quản thì đa số các ý kiến đồng tình với mô hình hỗn hợp.
Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung NĐ 77 theo hướng kết hợp giữa chuyên nghiệp hóa với xã hội hóa hoạt động TVPL, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Cần mở rộng phạm vi hoạt động của trung tâm TVPL và tư vấn viên pháp luật, cho phép trung tâm TVPL được cử tư vấn viên pháp luật tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.
Đồng thời, đề nghị có thể thêm mô hình văn phòng TVPL, tổ TVPL được thành lập ở những nơi chưa đủ điều kiện thành lập trung tâm TVPL để cung cấp rộng rãi dịch vụ mà không trái pháp luật, phù hợp với đặc thù, điều kiện vùng, miền. Đặc biệt, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động nhằm thu hút được nguồn nhân lực, nghiên cứu các chế độ chính sách đối với loại hình này.