Phó chánh văn phòng OSCAC Lê Văn Lân nhận định: “Bảo vệ người tố cáo là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và có tính chất nhạy cảm đối với hầu hết các quốc gia”. Theo ông Lân, ở Việt Nam, không ít người tố cáo tham nhũng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi.
“Người tố cáo bị đánh trọng thương, có người bị sa thải, đuổi việc, có người bỗng nhiên nhận được vòng hoa tang ở nhà hoặc nơi làm việc. Có trường hợp bố mẹ đấu tranh chống tham nhũng nhưng con cái không được bổ nhiệm, bị thôi việc, một số người tố cáo tham nhũng là nông dân thì bị phá hoại hoa màu, có trường hợp, con của người tố cáo bị đe dọa tính mạng, người thân của họ lâm vào tình trạng hoảng loạn tâm thần, có những người vợ của người đấu tranh chống tham nhũng bị chết vì không chịu nổi áp lực của sự đe dọa, có người còn bị đánh mìn vào nhà hoặc bị giết hại...” - ông Lân ví dụ. Vì vậy, ông Lân mong muốn có những quy định pháp luật mang tính cụ thể, chi tiết và khả thi để có thể áp dụng được trong điều kiện Việt Nam nhằm bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Nghiên cứu thực trạng hiện tượng trả thù người tố cáo hành vi tham nhũng của Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy, một số hình thức trả thù chủ yếu là trù úm (có tỉ lệ cao nhất, với 53,2%), kỳ thị, phân biệt đối xử (chiếm thứ hai với 34,8%).
Theo ông Đoàn Kim Thắng (Viện Xã hội học), có một số hiện tượng trả thù rất nguy hiểm như xâm hại về lợi ích kinh tế, vật chất và xâm hại về thân thể, sức khỏe...“Đa số những người có hành vi tham nhũng là người có chức có quyền, có quyền. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng tấn công người tố giác mình hoặc trực tiếp hoặc thuê côn đồ ra tay giúp.
Khi đó, nếu không được bảo vệ thì sẽ không ai dám tiếp tục lên tiếng” - ông Thắng đúc kết. Hay một báo cáo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UNDP thực hiện cho thấy tâm lý “sợ bị trả thù” phần nào làm hạn chế sự tích cực của người dân, cán bộ, công chức trong việc tố cáo các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Chính vì thế, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng là vấn đề rất cấp thiết. Nhiều ý kiến đề xuất là phải bảo vệ cả thân nhân người tố cáo, chủ động bảo vệ người tố cáo tham nhũng ngay từ đầu, kể cả khi họ không yêu cầu, để đề phòng lộ bí mật thân phận và bảo đảm an toàn cho người tố cáo trong quá trình giải quyết.
Ngoài việc quy định người được bảo vệ có quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thiệt hại do đã yêu cầu mà không được bảo vệ kịp thời, cần quy định rõ hơn chính sách đối với trường hợp người tố cáo tham nhũng đã được bảo vệ, nhưng vẫn bị tấn công hoặc thậm chí hy sinh.
Hoàng Thư