Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bình quân số việc THADS phải thi hành trên mỗi CHV cụ thể như sau: Năm 2018 là 222 việc, tương ứng với số tiền 43 tỷ đồng/CHV/năm; Năm 2019 là 232 việc, tương ứng với số tiền 66 tỷ đồng/CHV/năm; Năm 2020 là 216 việc, tương ứng với 72 tỷ đồng/CHV/năm. Nếu tính tỷ lệ bình quân số việc THADS mỗi CHV thụ lý mỗi năm trong 03 năm qua (từ năm 2018 đến hết năm 2020) là 223 việc (tương ứng với số tiền là 60 tỷ đồng/CHV/năm.
Thực trạng nêu trên đã đặt ngành THADS đang đứng trước sức ép rất lớn về tình trạng quá tải trong công việc, đặc biệt là đối với CHV ở những tỉnh, thành phố có lượng việc THADS lớn. Do đó, nghiên cứu để đưa ra định mức công việc phù hợp và làm căn cứ phân công công việc cho CHV một cách khoa học để tổ chức thi hành án có hiệu quả đang là yêu cầu cấp bách.
Để hoàn thiện quy định về định mức công việc đối với Chấp hành viên trước hết cần nghiên cứu và quy định “mức trần” công việc đối với mỗi CHV: Trong quá trình tổ chức thi hành án, pháp luật quy định rất nhiều trình tự, thủ tục yêu cầu CHV phải thực hiện nhưng vẫn chưa có kết quả đánh giá một cách chính xác, khoa học và cụ thể về khoảng thời gian cần thiết để CHV thực hiện hiệu quả mỗi trình tự, thủ tục thi hành án. Ngoài ra, khả năng mỗi ngạch CHV khác nhau (CHV cao cấp, CHV trung cấp, CHV sơ cấp) trung bình mỗi năm thi hành được bao nhiêu việc THADS (việc THADS đơn giản, phức tạp, trọng điểm, điển hình…) cũng khác nhau nên cần có sự khảo sát, đánh giá.
Cùng đó, hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan THADS cần được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng: sáp nhập những đơn vị có số lượng việc thi hành án nhỏ, ít để giảm sự cồng kềnh của tổ chức bộ máy, ngược lại, cần tăng biên chế nhằm bổ sung đủ cơ cấu vị trí việc làm, bổ sung cho những đơn vị bị cắt giảm nhiều biên chế trong 5 năm qua, đặc biệt là cho những đơn vị có việc THADS tăng cả về số lượng công việc, tính chất phức tạp và giá trị thi hành lớn.
Cần khảo sát thực tiễn tổng thời gian thực hiện mỗi quy trình thi hành án: Rà soát lại tổng thể thời gian cần thiết để thực hiện quy trình THADS hiệu quả, từ đó điều chỉnh số việc THADS mỗi CHV phải thi hành hàng năm, hàng tháng để bảo đảm tính khả thi. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền, quyền hạn, trách nhiệm của CHV để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thiết thực, hiệu quả. Cần có sự tách bạch rõ ràng về mặt quy định liên quan đến quyền hạn của CHV và điều luật quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của CHV .
Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách làm thêm giờ, ngoài giờ linh hoạt đối với CHV, đặc biệt là ở những đơn vị có số lượng việc THADS lớn khi cần phải tăng thời gian để giải quyết án ở những đơn vị trọng điểm, nhiều việc thi hành án phải thi hành. Đồng thời cần xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo vệ CHV. Kiên quyết, quyết liệt xử lý những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của CHV, nhất là những hành vi cố ý khiếu nại, tố cáo sai sự thật, khiếu nại nhiều lần nhằm cản trở, kéo dài việc tổ chức thi hành án.
Từ những phân tích về thực trạng đội ngũ CHV, số biên chế được phân bổ và tổng số việc, tiền phải thi hành như đã nêu trên, cần chú trọng giải pháp về công tác tổ chức cán bộ như ưu tiên tăng biên chế cho Hệ thống THADS, tăng tỷ lệ CHV trong tổng số biên chế và điều chỉnh hợp lý tương quan tỷ lệ giữa các ngạch CHV, theo hướng cần tăng số lượng và tỷ lệ ngạch CHV cao cấp, bảo đảm mỗi Cục THADS có ít nhất từ 01 đến 02 CHV trở lên phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ thi hành án. Tăng cường công tác biệt phái, luân chuyển, điều động, ...một cách hợp lý và phù hợp để CHV có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm, vững vàng hơn về chuyên môn nghiệp vụ. Cần nghiên cứu có chính sách đãi ngộ hợp lý về nhà ở, phụ cấp, nâng lương, nâng ngạch, quy hoạch, ưu tiên trong công tác bổ nhiệm đối với những CHV được luân chuyển, biệt phái. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CHV, coi đây là yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, mâu thuẫn, bất cập và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung.