Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt
PV: Thưa ông, được biết Viện đã và đang đề xuất chiến lược cho nhiều ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý. Ông có thể cho biết doanh nghiệp có thể hưởng lợi như thế nào khi những chiến lược này được thực thi, từ đó đóng góp gì cho việc hình thành những doanh nghiệp dân tộc (DNDT)?
Ông Nguyễn Văn Hội: Hiện tại, Viện đã hoàn thành dự thảo đối với 3 chiến lược phát triển ngành thép, sữa và ô tô, đã trình Chính phủ chờ phê duyệt. Khi những chiến lược này được thực thi, đối với thị trường các ngành thép, sữa và ô tô sẽ phát triển lành mạnh nhờ các chính sách và công cụ quản lý nhà nước cụ thể. Các DN có thể hưởng lợi từ các các biện pháp hỗ trợ cụ thể được đề xuất trong các chiến lược.
Ví dụ, các DN ngành thép Việt Nam có thể được khuyến khích tham gia vào các dự án xây dựng lớn của Nhà nước như đường sắt, các công trình xây dựng quy mô lớn… Các DN ngành sữa được hưởng những chính sách ưu đãi nhằm phát triển vùng nguyên liệu; phát triển các mặt hàng sữa có giá trị gia tăng cao như sữa công thức; tham gia các dự án chính phủ về phát triển nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ em Việt Nam; Các DN ngành ô tô được khuyến khích phát triển các loại xe tiết kiệm năng lượng, xe điện, xe sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo…
Theo Viện trưởng Nguyễn Văn Hội, dự thảo đối với 3 chiến lược phát triển ngành thép, sữa và ô tô, đã được trình Chính phủ, chờ phê duyệt ( Ảnh minh hoạ) |
Những cơ chế chính sách này được thực thi sẽ mở ra cơ hội lớn cho DN Việt, góp phần giúp DN có thêm kinh nghiệm tham gia các dự án lớn cũng như hình thành được những DN đủ năng lực, tự tin triển khai nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật khoa học công nghệ mới, từ đó đóng góp rất nhiều cho tính tự chủ sản xuất của DN Việt và thúc đẩy DN Việt có thể vươn lên trở thành những DN tiên phong dẫn đầu trong từng ngành, lĩnh vực của mình.
Cần một khung pháp lý ổn định
PV: Nghị quyết 41-NQ/TW nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DNDT, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”. Theo ông, cần có những chính sách như thế nào để có thể xây dựng được những DNDT?
Ông Nguyễn Văn Hội: Xây dựng một khung pháp lý ổn định, trong đó có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN Việt phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, được xem là yếu tố quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam.
Các chính sách, chiến lược cẩn có tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch. Khuyến khích xã hội hóa, phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, tôi cho rằng, cần có sự ràng buộc chặt chẽ về việc chuyển giao công nghệ và thực hiện các cam kết về chuyển giao công nghệ đối với DN đầu tư nước ngoài (FDI). Bởi phải thừa nhận, hiện Việt Nam đang hưởng lợi nhiều về xuất nhập khẩu từ các DN FDI nhưng những cam kết và hoạt động đầu tư có hỗ trợ của họ ở Việt Nam đang vô cùng thấp, nhất là về công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, cần xây dựng DN tư nhân trong nước thực sự là những “sếu đầu đàn” nắm bắt khoa học công nghệ để dẫn dắt trong nước ( Ảnh minh hoạ) |
Chính vì vậy, ngoài việc cần có cơ chế chính sách cho DN Việt có không gian để phát triển cần xây dựng quy định ràng buộc hơn nữa với DN FDI. Đồng thời cần xây dựng DN tư nhân trong nước thực sự là những “sếu đầu đàn” nắm bắt khoa học công nghệ để dẫn dắt trong nước. Cùng với đó, tái cơ cấu lại DN nhà nước để mang lại sự cạnh tranh bình đẳng với DN khác trong giai đoạn tới.
PV: Bộ Công Thương đã làm những gì để tạo không gian cho DN phát triển, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hội: Bộ Công Thương được đánh giá là cơ quan đứng đầu trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trên 900 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh.
Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp - doanh nhân phát huy được thế mạnh của mình, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đang đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện quy trình quản lý nhà nước về dịch vụ công; Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý và cán bộ cung cấp dịch vụ công; Lấy người dân và DN là chủ thể là đối tượng thụ hưởng dịch vụ công; nâng cao hình ảnh của cơ quan và cán bộ cung cấp dịch vụ công.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!