Cần cơ chế pháp lý hữu hiệu nâng cao địa vị Chấp hành viên

(PLVN) -Trong quá trình tổ chức thi hành án, vai trò của Chấp hành viên (CHV) đặc biệt quan trọng, là người giữ vị trí trung tâm của mọi hoạt động THADS. Tuy nhiên, quy định về quyền năng của CHV còn nhiều bất cập.

Theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì Chấp hành viên (CHV) là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định. Trong quá trình tổ chức thi hành án, vai trò của CHV đặc biệt quan trọng, là người giữ vị trí trung tâm của mọi hoạt động THADS.

Mỗi Chấp hành viên phải thi hành hơn 200 việc/năm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục THADS, trong năm 2019, tổng số việc phải thi hành án là 959.508 việc tương ứng với số tiền là 273.748 tỷ đồng; năm 2020, tổng số phải thi hành là 885.833 việc tương ứng với số tiền trên 293.869 tỷ đồng. Số lượng việc phải THA ngày càng tăng cao về số lượng và giá trị, với tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, trong khi số lượng CHV còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục THADS, số lượng CHV trong năm 2020 có 4.099 CHV (giảm 39 CHV so với năm 2019), trong đó có 34 CHV cao cấp, 1382 CHV trung cấp và 2683 CHV sơ cấp. Trong đó, lực lượng trực tiếp tổ chức THA chủ yếu là đội ngũ CHVsơ cấp và CHV trung cấp. Tỷ lệ bình quân số việc THADS phải thi hành trên mỗi CHV năm 2020 là 216 việc, tương ứng với số tiền 72 tỷ đồng. Từ đó có thể thấy ngành THADS đang đứng trước sức ép rất lớn về tình trạng quá tải trong công việc, đặc biệt là đối với CHV ở những tỉnh, thành phố có lượng việc THADS lớn.

Cùng với áp lực gia tăng về công việc, CHV còn phải đối mặt với những nguy cơ đến từ phía người phải THA, từ phía người được THA. Bên được THA yêu cầu, hối thúc thực hiện; bên phải THA thì cố tình trốn tránh, gây sức ép, chống đối, trì hoãn nghĩa vụ THA …

Trong mỗi vụ việc, ở mỗi vùng miền, CHV lại gặp những khó khăn khác nhau khi tác nghiệp. Ví dụ như CHV tại các vùng sông nước, để xuống thực địa phải thuê phương tiện giao thông đường thủy với chi phí đắt hơn nhiều so với các phương tiện giao thông đường bộ, trong khi kinh phí hạn chế; Ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đương sự là người dân tộc thiểu số, ngoài việc khắc phục những khó khăn về điều kiện đi lại, các CHV còn phải khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng vùng để hoàn thành nhiệm vụ. ..

Pháp luật quy định rất nhiều trình tự, thủ tục yêu cầu CHV phải thực hiện trong quá trình tổ chức THA, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả đánh giá một cách chính xác, khoa học và cụ thể về khoảng thời gian và công sức cần thiết để CHV thực hiện hiệu quả mỗi trình tự, thủ tục THA. Ngoài ra, khả năng mỗi ngạch CHV khác nhau (cao cấp, trung cấp, sơ cấp) trung bình mỗi năm thi hành được bao nhiêu việc THADS (việc THADS đơn giản, phức tạp, trọng điểm …) cũng khác nhau. Thực tế, rất khó để quy định “mức trần” cho CHV một năm phải thực thi bao nhiêu vụ việc THA, qua đó giao chỉ tiêu nhiệm vụ THADS, biên chế cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và năng lực của CHV. Về nguyên tắc, trách nhiệm, quyền lợi, mức lương, phụ cấp của các ngạch CHV như nhau là ngang nhau, các yêu cầu từ các quy phạm pháp luật phải thực hiện cũng như nhau. Như vậy, CHV thi hành 100 việc/năm cũng cơ bản giống như CHV phải thi hành số việc cao hơn rất nhiều lần, ví dụ 500, 700, 1000… việc/năm.

Cần có chế tài mạnh xử với hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo

Số lượng công việc nhiều dễ dẫn đến rủi ro nhiều trong khi thời hạn, trình tự, thủ tục, trách nhiệm pháp lý đã được luật hóa. Mặc dù những sai sót trong quá trình tổ chức THA có thể đó là lỗi vô ý, lỗi do khách quan (ví dụ, số lượng, áp lực công việc nhiều dẫn đến không thể thực hiện được các thủ tục THA đúng thời gian luật định…). Do đó, rất cần có một cơ chế bảo vệ CHV khi những rủi ro, những vi phạm đó là do quá tải công việc.

Thực tiễn tổ chức THA cho thấy, trình tự thủ tục THA hiện nay vẫn còn một số điểm bất cập, chưa phát huy được quyền chủ động của CHV. Một số yêu cầu của CHV không được tôn trọng, không đạt được mục đích và hiệu quả đề ra nhưng chế tài pháp lý lại chưa đủ mạnh. Ví dụ việc xử lý khi người phải THA vi phạm nghĩa vụ tự kê khai thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA; người phải THA không có mặt dù đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần…

Điều 20 Luật THADS quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CHV được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”. Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, việc đảm bảo quyền được bảo vệ của CHV vẫn chưa thực sự được chú trọng. Thủ tục hay cơ chế xử lý những người, những hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của CHV chưa thật sự rõ ràng và mang lại hiệu quả như mong đợi. Ví dụ: đương sự lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo CHV để nhằm kéo dài thời gian THA hoặc gây áp lực cho CHV, đương sự cố tình tung tin thất thiệt, bôi nhọ, nói xấu CHV…. Nhưng những hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, quyền tố cáo hoặc những trường hợp xâm phạm trực tiếp đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của CHV vẫn còn diễn ra nhưng lại chưa có chế tài xử lý thích đáng, đủ sức răn đe.

Phát huy đầy đủ và toàn diện những quyền hạn, trách nhiệm của CHV có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với quá trình tổ chức THA mà còn góp phần hoàn thiện các quy định về chức danh tư pháp. Do đó, rất cần có một cơ chế pháp lý thật sự hữu hiệu để nâng cao địa vị pháp lý của CHV, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Đọc thêm