“Cần có cơ chế để Mặt trận phản biện”

Ông Nguyễn Văn Pha  - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN) trao đổi về vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), đặc biệt trong những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của cuộc sống.

Được coi là “hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết dân tộc”, “nơi phản ánh tâm tư nguyện vọng, là cầu nối giữa Đảng với dân”, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) chưa thể hiện được vai trò của mình trong phản biện xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của cuộc sống. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN).

a
Ông Nguyễn Văn Pha  - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phản biện “hơi yếu” và chưa nhiều

- Nhiều người cho rằng, chức năng phản biện của MTTTQ hiện còn yếu. Theo ông đâu là nguyên nhân ?

- Nói yếu là thực tế. Nhưng để thực hiện phản biện đến nơi đến chốn thì cần phải có cơ chế. Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Các cơ quan hữu quan ở trung ương khi bàn để thể chế hóa vấn đề này đều có chung một nhận định: Đây là vấn đề mới, ở nước ta chưa có tiền lệ, vì thế nên thí điểm từng bước, rút kinh nghiệm rồi mới làm trên diện rộng.

Ở Hà Nội, Ủy ban MTTQ, HĐND và UBND TP đã ký văn bản liên tịch giữa ba bên, trong đó quy định những vấn đề gì MTTQ sẽ phản biện, chính quyền tiếp thu như thế nào, điều kiện đảm bảo ra sao... Trong thực tế đã làm được một số việc khá hiệu quả. Mô hình này có thể coi là thí điểm trong việc thực hiện chức năng phản biện và cần tham khảo.

Còn lâu dài, Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Mặt trận, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng của Chính phủ phối hợp tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật MTTQVN. Từ đó đề xuất những nội dung, sửa đổi bổ sung Luật này, trong đó có nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân (hiện Luật MTTQVN năm 1999 chưa quy định về chức năng phản biện - PV).

- Như vậy có thể nói MTTQ chưa phát huy được vai trò của mình trong phản biện, nhất là những vấn đề bức xúc của đời sống?

- Nói như vậy cũng chưa công bằng. Lâu nay, chúng ta vẫn coi góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, vào dự án luật là hình thức phản biện, nhưng là mức độ ban đầu của phản biện. Như tôi đã nói, muốn phản biện đầy đủ phải có cơ chế. Ví dụ, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm đưa các dự thảo đề án, đề tài nào cần phản biện cho MT để MT nghiên cứu phản biện. Rồi phải có cơ chế phản hồi, tiếp thu, ràng buộc lẫn nhau. Đấy mới là chặt chẽ. Như vậy nói MT chưa phản biện là không phải.

“Mặt trận chỉ có quyền kiến nghị”

- Còn với cơ chế giám sát thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt  Nam , sinh ngày 24/10/1961, là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Văn Pha có quê ở xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, có trình độ Thạc sỹ Luật học, Cao cấp lý luận Chính trị, đã từng được nhận Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, hai bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen khác.
- Giám sát thì rõ rồi. Chúng tôi thống kê cả Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định... có khoảng trên 70 văn bản quy định về MT giám sát. Có người nói do chưa có chế tài nên giám sát không hiệu quả là không đúng. Cần phân biệt, giám sát của MT là giám sát mang tính nhân dân, nó khác với giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thông qua giám sát nếu phát hiện vấn đề, họ có quyền đình chỉ hoặc đề nghị bãi bỏ những việc làm trái, những văn bản trái thẩm quyền...

Còn MTTQ là tổ chức liên minh chính trị, chế tài giám sát của MT chính là quyền kiến nghị, kiến nghị cấp dưới không giải quyết thì kiến nghị lên trên, đồng thời theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức hữu quan. MTTQ không có quyền đình chỉ ai hay xử phạt ai vì không thuộc thẩm quyền và chức năng của Mặt trận.

- Chức năng phản biện xã hội chưa đi vào cuộc sống, trong khi có ý kiến cho rằng các kiến nghị của MTTQ  giống như “đá ném ao bèo”, ông nghĩ sao?

- Theo dõi toàn quốc thì thấy rằng phản hồi kiến nghị MTTQ còn thấp, chỉ khoảng 30%. Nhưng nói như vậy cũng có lý do riêng, MTTQ kiến nghị nhưng chứng cứ, chứng lý đưa ra lại không sâu sắc, không có tính thuyết phục thì không thể đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Vì thế nhiều kiến nghị chỉ giống như hình thức chuyển đơn. Cho nên, phân tích ra, kiến nghị không hiệu quả là do lỗi cả hai phía.

- Vậy, khắc phục vấn đề này thế nào?

- Phải xem xét về mặt thể chế, xem những quy định về giám sát, phản biện thiếu chỗ nào, bất hợp lý ở chỗ nào để sửa đổi, bổ sung. Về phía MTTQ, tôi cho rằng, bản thân MT phải tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, củng cố bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động và thực sự đầu tư cho giám sát, phản biện để có hiệu quả cao hơn.

Số dư ít sẽ không an toàn

- Thưa ông, đến nay, các cấp MTTQ đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Tuy nhiên, được biết một số địa phương không đủ số dư theo quy định?

- Thực tế không phải là không đủ mà là nếu không có vấn đề gì bất trắc thì vẫn đủ theo quy định. Ví dụ, đối với bầu cử đại biểu HĐND, luật quy định ở mỗi đơn vị bầu cử số dư ít nhất phải có hai người. Với bầu cử đại biểu Quốc hội, ở những đơn vị bầu cử được bầu ba người thì số dư ít nhất hai người, đơn vị bầu cử được bầu hai người thì dư ít nhất một người cũng được vì vẫn đúng với quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

 Một số tỉnh đã để con số đúng ở mức quy định, nhưng trong trường hợp trong số người ứng cử đó có người vì lý do này khác bất khả kháng mà không thể tham gia thì sẽ rất nguy hiểm vì không đủ số dư theo luật định, nếu để bầu là phạm luật mà nếu đề nghị lên Hội đồng bầu cử xem xét quyết định thì trở thành vấn đề phức tạp. Cho nên, tôi nói là để số dư như vậy rất không an toàn. Mặt khác, số dư lớn hơn tức là giới thiệu rộng ra để cử tri có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, an toàn đến hội nghị hiệp thương hiệp thương lần ba.

- Hiện nay, ở cơ sở, vai trò của Ban công tác MT rất quan trọng, tuy nhiên lại chưa được đầu tư tương xứng. Ông có cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới?

- Đúng là hiện nay, Ban công tác MT có vai trò quan trọng đơn cử trong việc nhận xét lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử các cơ quan dân cử; trong việc giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã... tuy nhiên lại chưa được quan tâm và đầu tư đến nơi đến chốn cả về nhân lực và điều kiện đảm bảo. Hiện nay, Trung ương MTTQVN cũng đang đề nghị để Trưởng ban công tác MT có được phụ cấp như bí thư chi bộ và trưởng thôn...

Tuy nhiên, vấn đề là giới thiệu nhân sự, nhận xét, tín nhiệm người ứng cử không phải một mình MT làm mà phối hợp với cơ quan tổ chức hữu quan theo quy định của pháp luật. Nếu điều hành tốt, đúng luật thì có thể khắc phục được “khiếm khuyết” của các Ban công tác MT, bởi chúng ta làm việc có tập thể. Một mình MT không thể đưa người này người khác vào danh sách chính thức mà phải qua nhiều khâu giới thiệu, nhận xét.

- Đảm bảo cơ cấu nhưng cũng đặc biệt quan tâm đến chất lượng đại biểu vào các cơ quan dân cử là lưu ý lớn nhất của kỳ bầu cử “hai trong một” lần này.  Tuy nhiên, nhiều thành viên MTTQ lại đề nghị giảm đại biểu trong cơ quan hành pháp, điều này có mâu thuẫn không, thưa ông?

- Vấn đề này nhiều khóa đã đề xuất rồi. Cái lý của một số thành viên MT đưa ra không hẳn sợ vừa đá bóng vừa thổi còi, bởi những người trong cơ quan hành pháp giữ nhiều vị trí quan trọng, các vị đó đóng vai trò điều hành, quản lý nhà nước ở nhiều cương vị chủ chốt nên rất nhiều việc. Ngồi họp Quốc hội sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc quản lý điều hành, nếu ít họp thì không làm tròn vai trò đại biểu... Đấy là lý do chứ không phải sợ có thể áp đặt ý chí của cơ quan hành chính vào Quốc hội. Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể, theo luật.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (thực hiện)

Đọc thêm