Điển hình cho bất cập trên chính vụ việc của cô giáo Nguyễn Hoài Thu (SN 1974) ở tỉnh Kiên Giang. Cô Thu chính thức được bổ nhiệm vào chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn 1, huyện Vĩnh Thuận vào ngày 1/8/2012. Sau khi nhận công tác, cô Thu phát hiện có quá nhiều tiêu cực trong việc quản lý tài chính, cơ sở vật chất và xây dựng nhà trường của người tiền nhiệm.
Ngoài ra, cô còn phát hiện trường vẫn còn nợ tiền đóng bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên với tổng số tiền là 108 triệu đồng nên đã đề nghị thanh tra, xử lý và chấn chỉnh các sai phạm thiếu sót trên tại đơn vị, sau khi đã đề xuất nhiều lần với các cơ quan chức năng mà không được giải quyết.
Tuy nhiên, đến ngày 17/4/2015, điều mà cô Thu nhận được cho hành vi dũng cảm của mình lại là tờ giấy quyết định cách chức của UBND huyện do Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Bình ký từ ngày 8/10/2014. Chưa hết, quyết định bổ nhiệm cô Trần Thị Thùy Linh làm Hiệu trưởng thay cô Thu được công bố ngay sau đó lại được UBND huyện ký ngày 16/4/2014 – thời điểm cô Thu vẫn còn là Hiệu trưởng của trường.
Tiếp đó, sau khi thanh tra lại, lấy lý do cô Thu “có hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng trong việc quản lý thu, chi tài chính của đơn vị; không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; tập thể đơn vị không tín nhiệm” nên vào ngày 6/7/2016, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận tiếp tục ban hành Quyết định số 909 kỷ luật cách chức đối với cô Thu.
Rất may qua xác minh, Sở Nội vụ Kiên Giang xét thấy quyết định cách chức cô giáo Nguyễn Hoài Thu của UBND huyện Vĩnh Thuận là không đúng thẩm quyền, lý do kỷ luật không đúng với tình hình thực tế nên đã đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo khôi phục lại chức vụ cho cô giáo Thu.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thuận hủy quyết định kỷ luật, nhanh chóng khôi phục lại chức vụ, quyền lợi và bồi hoàn thiệt hại cho cô Thu theo quy định pháp luật.
Thực tế không phải trường hợp nào cũng được giải quyết thấu đáo như vụ việc liên quan đến cô giáo Thu mà nhiều cán bộ, công chức dám tố cáo thường đứng trước một số nguy cơ bị trả thù, trù dập, phân biệt đối xử. Sở dĩ như vậy là do quy định hiện hành về việc tiếp nhận tố cáo chưa được rõ ràng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng không khuyến khích được họ tham gia vào việc mạnh dạn đấu tranh chống với những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng.
Đó là chưa kể cùng với việc “bị kết tội” vi phạm nội quy, quy định của cơ quan, người tố cáo còn dễ bị quy chụp “gây mất đoàn kết nội bộ”; “bị kẻ xấu lợi dụng”…, có thể dẫn đến hậu quả cho chuyển công tác sang bộ phận khác hoặc địa bàn khác, thậm chí cho “ngồi chơi xơi nước”.
ThS.LS Lê Văn Sua phân tích thêm một số điểm chưa rõ trong Luật Tố cáo năm 2011. Ông nêu, với nhóm đối tượng cán bộ, công chức, người lao động nhưng là đảng viên, họ có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan nào mà họ thấy cần thiết không? Họ có nghĩa vụ phải báo cáo nội bộ trước khi gửi đơn đến đúng địa chỉ cấp có thẩm quyền hay đến cơ quan hoặc cá nhân mà họ muốn?
Theo ông, cán bộ, công chức, viên chức vẫn có quyền thực hiện quyền tố cáo của mình đến cơ quan, tổ chức có chức năng hoặc người có thẩm quyền giải quyết mà họ tin tưởng để tránh tình trạng bao che, dung túng cho sai phạm của cấp dưới hoặc vì thành tích của ngành, của địa phương mà xử lý bằng hình thức “rút kinh nghiệm nghiêm khắc”.
Vì vậy, ông đề nghị việc tiếp nhận đơn tố cáo nên quy về một vài đầu mối và quy định rõ trình tự, thủ tục tố cáo và giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội theo hướng khuyến khích công chức, viên chức, người lao động báo cáo với tổ chức hoặc tố cáo trực tiếp đến các cơ quan thực thi pháp luật.