Xử nghiêm đối tượng lợi dụng tố cáo để 'làm loạn”'

(PLO) - Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về Dự án Luật Tố cáo sửa đổi tại phiên thảo luận hôm qua (14/3).
Xử nghiêm đối tượng lợi dụng tố cáo để 'làm loạn”'

Vẫn băn khoăn về tố cáo nặc danh

Thừa uỷ quyền Chính phủ trình bày Tờ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, có hai luồng ý kiến quanh chuyện giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa chỉ người tố cáo. Luồng ý kiến thứ hai đề nghị cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, tố cáo nặc danh có hai mặt, cần phân tích phương pháp nào tối ưu thì chọn. Tuy nhiên theo ông Việt, trên thực tế có rất nhiều đối tượng thường hay “thọc gậy bánh xe”, dựng chuyện để đi tố cáo, hạ uy tín cá nhân, tổ chức. Chính vì thế nếu các cơ quan chức năng giải quyết tất cả các đơn thư nặc danh thì “loạn đất nước”. Ông Việt đề nghị trong trường hợp nguy hiểm, đặc biệt thì xem xét, có chứng cứ xác đáng, có dấu hiệu sai phạm thì làm tiếp.

Ông Việt cho biết, thực tế có nhiều đối tượng kkiếu nại sai, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, nhưng không được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. “Sự việc rất rõ ràng nhưng người dân vẫn kéo dài tố cáo, gây khó khăn cho tổ chức thì cần trừng trị nghiêm. Luật tôn trọng quyền công dân, quyền con người, nhưng con người đó không tôn trọng mà vi phạm thì cần xử lý hình sự”, ông Việt đề nghị.

Trên tinh thần đó, ông Việt thống kê có 3 đối tượng để Luật Tố cáo sửa đổi lần này phải quy định chặt chẽ, vừa để bảo vệ người tố cáo, vừa không còn kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng. Đối tượng thứ nhất là những cán bộ tiêu cực. “Hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng. Tuyệt đại cán bộ lãnh đạo là tốt, nhưng cũng không ít lãnh đạo mưu mô, đè nén cấp dưới. Giờ lại có chuyện nếu đơn thư mạo danh không làm thì lại càng thuận lợi cho bộ phận nhỏ nhưng vô cùng nguy hiểm”, ông Việt nói.

Đối tượng thứ hai là người kiếu nại, tố cáo, hiện nay, các văn bản pháp luật chưa có cơ chế bảo đảm quyền lợi hợp pháp, thậm chí tính mạng cho những người này. “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ có kẻ thuê cả giang hồ khủng bố người đi tố cáo và nhiều người phải chịu thua thiệt”- ông Việt cho biết. Đối tượng thứ ba mà ông Việt đề cập là người giải quyết tố cáo, “tuyệt đại đa số là tốt nhưng cũng có đối tượng lợi dụng vào đó làm ăn”. 

Đồng tình với quan điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nên xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm người tố cáo sai sự thật, làm mất danh dự, quyền lợi chính trị của người bị tố cáo. “Nhiều người nhắn tin tố cáo liên tục, mất rất nhiều thời gian của cơ quan pháp luật”- ông Phúc nói và đề nghị quy định thế nào để đủ sức răn đe. Tố cáo phải công khai chứ không phải đứng sau kiểu “ném đá giấu tay”. Nên tập trung vào tố cáo có danh, nếu nặc danh thì phải có sự việc cụ thể mới xem xét.

Bảo vệ người nước ngoài tố cáo như thế nào?

Băn khoăn khi văn bản luật vẫn chưa điều chỉnh đối tượng là người nước ngoài khi có nhu cầu tố cáo những hành vi tham nhũng, sai phạm của cơ quan chức năng của Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Bình đặt câu hỏi: “Nếu người đó là người nước ngoài thì chúng ta điều chỉnh theo điều khoản nào. Cần có vấn đề này vì đầu tư của người nước ngoài đối với chúng ta ngày càng nhiều”.

Cũng theo ông Bình, trong một số điều kiện nhất định không phải ai cũng mạnh dạn ghi tên trong lá đơn tố cáo. “Như chuyện ở một trường phổ thông, chỉ cần một cô hiệu trưởng có ý kiến là những giáo viên khác không dám nói khác cô hiệu trưởng rồi, như vậy vấn đề tố cáo đích danh rất khó xảy ra”, ông Bình nói.

Cho rằng luật cần đưa ra quy định, cơ chế để bảo vệ quyền lợi, tính danh của người tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị: “Trong khi chúng ta chưa có phương án bảo vệ người tố cáo thì người ta rất sợ phải đích danh tố cáo vì sợ bị trù dập, do vậy cần có cơ chế bảo vệ để khuyến khích”.

Liên quan đến vấn đề bổ sung hình thức tố cáo khác như điện thoại, email, fax.., Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Chúng ta đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý nhà nước, nếu luật này không mở ra hình thức để người dân có điều kiện sử dụng thì lại chưa đồng bộ với Luật Phòng chống tham nhũng và xu hướng của Chính phủ”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra vấn đề có những người lợi dụng các hình thức tố cáo qua điện thoại, mail, fax… nhằm khủng bố tinh thần người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo rất gây bức xúc. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Luật phải quy định hết sức chặt chẽ. Nếu gửi đúng địa chỉ cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thì xử lý, còn lại thì không xem xét. 

Đọc thêm