Phải chấn hưng nền nông nghiệp
Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta tăng trưởng trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Một thời gian dài với mục tiêu kiên định là ổn định kinh tế vĩ mô; 4 năm liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới 5%. Theo ông Ngân, các cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư liên tục giúp cho dự trữ ngoại hối tăng trên 63 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, còn 4 tháng đầu năm là 3,4 tỷ USD. Với nền tảng đó, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam đã được nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, cần quan tâm điều chỉnh để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững hơn. Bởi với độ mở kinh tế hiện nay đứng hạng 7 thế giới, nước ta dễ nhạy cảm với những biến động về kinh tế - xã hội thế giới. Cũng theo ông Ngân, khoảng cách giàu nghèo đang giãn ra ngày càng tăng trong khi lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, nhưng năng suất lao động lĩnh vực nông nghiệp chỉ 35 triệu đồng, làm cho năng suất lao động chung của nước ta thấp hơn các nước trong khu vực. Do đó, thực hiện cuộc chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng năng suất lao động. Hai giải pháp Chính phủ cần lưu tâm là phải giảm chi phí logistics và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất chính là năng suất lao động, bởi điều này được nhắc đi nhắc lại trong nhiều kỳ họp. Đáng chú ý, đến nay năng suất lao động của Việt Nam thua nhiều nước trong khối ASEAN, thấp hơn Lào, Campuchia. Hiện thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vậy phải làm rõ công nghệ của nước ta đang là mấy chấm thì mới giải quyết được vấn đề.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), để khắc phục tình trạng này, cần quan tâm đến đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững. Ngoài ra, để tăng năng suất lao động cần đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; chuyển dịch cơ cấu lao động; đổi mới quản trị doanh nghiệp; quan tâm đến chính sách tiền lương, bảo đảm nguyên tắc tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Thất thoát tham nhũng bằng đóng góp của một huyện trong 150 năm
Cho rằng cử tri rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, đi đến đâu cử tri cũng hỏi thu hồi tài sản được bao nhiêu rồi? Ông Hùng nhận định đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có dự án nhỏ ở vùng cao nhưng thất thoát tham nhũng bằng đóng góp của một huyện trong 150 năm, nghĩa là mất 150 năm mới bằng số tiền thất thoát tham nhũng. Do đó báo cáo về phòng chống tham nhũng phải rõ nét, chứ chung chung thì cử tri không yên tâm.
ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đặt nhiều vấn đề băn khoăn như việc giải ngân rất chậm đang gây lãng phí lớn. Năm nào cũng có tình trạng này nhưng không thấy ai bị xử lý trách nhiệm. Trong khi báo cáo của Chính phủ cho thấy có nơi chi ngân sách sai, chi vượt dự toán một cách không thoả đáng thì “ngoài mấy vụ chuyển điều tra còn lại xử lý trách nhiệm ra sao? Đây là điều nhân dân bức xúc, vì làm sai như vậy nhưng không ai bị sao hết”- ĐB Phong nói.
Nhận định tình trạng lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả tham nhũng, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, hoặc do thiếu năng lực. Do đó, theo ĐB Trí, phải chống lãng phí mạnh mẽ hơn, mạnh mẽ như đang thực hiện chống tham nhũng. Phải nhận diện cho được lãng phí, phải có đánh giá, có biện pháp khắc phục và chế tài thích hợp. Nếu được, cần có một Nghị quyết Trung ương về vấn đề chống lãng phí.
Chính quyền chưa làm hết trách nhiệm
Liên quan đến vấn đề phá rừng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cho rằng, việc phá rừng, đặc biệt là địa bàn Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung là rất nghiêm trọng. “Ta thực hiện đóng cửa rừng ở Tây Nguyên nhưng quán triệt thực hiện ở cơ sở là rất kém. Tại sao tồn tại những xưởng gỗ rất lớn làm gỗ lậu, như ở Gia Lai vừa rồi, xưởng gỗ này nằm ngay ở thị trấn. Rồi vụ gỗ ở Đắk Lắk, kho gỗ, xưởng gỗ nằm ngay trên địa bàn mà địa phương không xử lý được. Nếu Trung ương không vào thì làm sao phát hiện ra được?” - ông Chiêm nêu vấn đề, đồng thời đề nghị phải xử lý nghiêm vì rừng càng ngày càng cạn kiệt.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị lưu ý về tình trạng phá rừng trầm trọng tại một số địa phương. “Vậy trách nhiệm của ai? Ở dưới địa bàn, trách nhiệm do công an và kiểm lâm. Nhưng phải làm rõ do trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan đó có tiêu cực không hay thiếu đội ngũ cán bộ để thực hiện?” - bà Nga đặt vấn đề.
Cũng theo bà Nga, dư luận vừa qua rất bức xúc khi tội phạm nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm, như vụ đánh bạc xảy ra ở C50, cho nên cần xử lý nghiêm. Hay tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở mầm non tư thục gần như tháng nào cũng có, nhất là các cơ sở trông giữ con cho công nhân tại các khu công nghiệp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải vào cuộc để chấm dứt tình trạng này. “Tại sao tình trạng này diễn ra một thời gian dài mà không chấm dứt được?” - bà Nga nhấn mạnh.
Trong những tồn tại nêu trên, theo bà Nga đều có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chúng ta có hệ thống chính trị tới tận cơ sở, tức là ở đâu, ngành nào cũng có lực lượng. “Xây nhà để đống cát ra ngoài chỉ 30 phút là có lực lượng đến ngay. Điều đó cho thấy, hệ thống chính trị đều có cả, chỉ có điều làm không hết trách nhiệm”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận xét.