Cần có quy trình quản lý chặt chẽ chất tạo nạc trong thịt heo

(PLO) - Chi cục Thú y TP.HCM vừa kiểm tra các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Kết quả trong 222 mẫu xét nghiệm trên thịt heo, cơ quan này đã phát hiện có 31 mẫu dương tính với chất cấm, trong đó 20 mẫu có nguồn gốc từ Đồng Nai.
Cần có quy trình quản lý chặt chẽ chất tạo nạc trong thịt heo
PGS.TS Lã Văn Kinh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho biết, chất tạo nạc và tăng trọng mà cơ quan chức năng phát hiện chủ yếu là chất Beta-Agonist. Đây là chất nếu người bình thường sử dụng lâu ngày sẽ có triệu chứng tăng nhịp tim, giãn động mạch vành, giãn cơ cuống phổi; còn đối với bệnh nhân tim mạch có thể gây rối loạn nhịp nguy hiểm, thậm chí nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong.
Ngoài chất Beta-Agonist, Chi cục Thú y TP.HCM còn phát hiện một số chất cấm như Clenbuterol, Salbutamol tồn dư trong thịt heo. Những chất này có nguy cơ gây ung thư, nhược cơ, tổn hại hệ thần kinh.
Thời gian gần đây các đơn vị chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi heo sử dụng một số chất trong diện cấm sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc trong thịt heo. Tuy nhiên cho đến nay, kết quả kiểm tra được công bố của cơ quan chuyên môn chỉ dừng lại ở một số ít mẫu thịt, nên chưa thể xác định được có bao nhiêu phần trăm thịt heo bị nhiễm các chất tăng trọng được bày bán trên thị trường.
Thông tin về chất tạo nạc cho heo khiến người tiêu dùng hoang mang lo sợ, đặc biệt là việc này đã làm cho tiểu thương các chợ và người chăn nuôi điêu đứng.
Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, việc phát hiện chất cấm Clenbutesol và Salbutamol trong thịt heo không phải là mới lần đầu. Sau khi phát hiện thì dư luận ầm ĩ một thời gian “rồi đâu lại vào đấy”. Vấn đề cần thiết là cơ quan chức năng phải có quy trình quản lý chặt chẽ và kiểm soát thường xuyên bằng việc xét nghiệm nhanh các loại chất cấm này.

Đọc thêm