Những ngày gần đây, trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, truyền thông đề cập nhiều đến xây dựng, giữ gìn văn hóa, từ ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực này đến chủ trương, đường lối của Nhà nước ta về phát triển văn hóa. Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo về văn hóa học đường. Những động thái đó cho thấy, văn hóa phải được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay.
Phương châm nhất quán từ trước đến nay vẫn luôn coi văn hóa là chìa khóa của sự phát triển bền vững, vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và thịnh vượng.
Tuy nhiên, dường như văn hóa đã không song hành với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đã xuất hiện nhiều hiện tượng đáng lo ngại biểu hiện sự xuống cấp văn hóa. Trong khi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc chưa được phát huy đúng mức thì những thứ từng bị coi là hủ tục, bạo lực lại “sống dậy” trong lễ hội tràn lan, trong ngay cả môi trường “xây dựng văn hóa mới”, trong cuộc sống thường nhật. Đáng lo ngại hơn là đã có sự xâm thực đáng kể của văn hóa ngoại lai.
Văn hóa bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ văn chương, nghệ thuật đến kinh tế, ngoại giao, quân sự, chính trị... nhưng biểu hiện rõ nhất của văn hóa chính là các hành vi ứng xử của mỗi người trong cộng đồng, thường được gọi là văn hóa ứng xử.
Văn hóa ứng xử hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi, chỗ nào cũng có thể bắt gặp tại các hoạt động khác nhau trong một nền tảng văn hóa chung như văn hóa pháp lý, văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa đọc, văn hóa giao thông... Văn hóa ứng xử thể hiện trình độ văn hóa (không đồng nghĩa với trình độ học vấn) của mỗi con người qua cách con người đó xử sự trong quan hệ người với người, với thiên nhiên, môi trường, qua cả cái cách kiếm tiền và tiêu tiền...
Văn hóa ứng xử không chỉ phản ảnh riêng nhân cách của một cá nhân mà còn là biểu hiện của môi trường văn hóa chung của xã hội, cá nhân góp phần làm nên văn hóa chung đó và cũng bị chi phối bởi chính môi trường văn hóa mà anh ta sống.
Những biểu hiện đáng chê trách, mặt trái của văn hóa ứng xử như thô bạo, hống hách, quan liêu, vô cảm hoặc cách sống xa hoa, trụy lạc, khoe của, học đòi, “trưởng giả học làm sang”, sống phè phỡn trên nỗi đau đồng loại... biểu hiện của sự suy đồi đạo đức, tha hóa lương tâm mà chúng ta đang nhận diện và bài trừ đều có nguyên nhân là văn hóa không theo kịp sự phát triển của kinh tế hoặc có sự xao nhãng các giá trị văn hóa tinh thần chỉ chú trọng về mặt kinh tế vật chất.
Hành vi ứng xử chuẩn mực của mỗi con người là sự đóng góp đáng kể để cuộc sống bình yên, xã hội trật tự, đạo lý và pháp luật song hành.