Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch theo dõi THPL. Trong đó xác định đối với lĩnh vực trọng tâm theo dõi trong năm; chỉ đạo tổ chức phương pháp theo dõi THPL theo ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm công tác theo dõi THPL được tiến hành thường xuyên, liên tục và toàn diện, trên cơ sở tăng cường công tác điều tra, khảo sát tình hình THPL trên thực tế…
Tuy nhiên, một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với công tác theo dõi THPL đó là chưa có các tiêu chí cụ thể, định lượng chính xác, từ đó làm cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện kết quả theo dõi THPL ở các cấp độ, phạm vi khác nhau. Cách thức đánh giá tình hình THPL hiện nay mới chỉ thuần túy liệt kê những công việc đã được triển khai thực hiện. Trong khi đó, nội dung theo dõi THPL lại quá rộng, phức tạp, dẫn đến một số khó khăn trong công tác này. Do vậy, việc nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả theo dõi THPL là vô cùng cần thiết.
Theo đó, các tiêu chí cần có tính khả thi, hiệu quả cao đối với nhiều Bộ, ngành, nhiều địa phương. Cần xây dựng nội dung, tiêu chí theo dõi, đánh giá tình hình THPL thể hiện ở các cấp độ khác nhau như theo dõi cả hệ thống pháp pháp luật; theo dõi ngành, lĩnh vực pháp luật; theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới… Đồng thời lưu ý tới yếu tố liên thông của các tiêu chí là giúp kết nối giữa khâu đánh giá, theo dõi tình hình THPL với chính khâu xây dựng pháp luật để qua đó giúp các chủ thể có liên quan dễ dàng đánh giá được chính xác hiệu quả đạt được của chính sách được đề ra trong quá trình xây dựng văn bản.
Cùng với việc nghiên cứu xây dựng, ban hành các tiêu chí, các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế; đồng thời, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi Bộ, ngành để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Song song với đó, Bộ Tư pháp cần tiếp tục quan tâm, chú trọng tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác theo dõi thi hành pháp luật cho các Bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, cũng cần kịp thời xử lý kết quả theo dõi THPL theo quy định của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/07/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình THPL. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 15/5/2020.
Theo đó, chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL phải báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại và xử lý hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình theo dõi tình hình THPL.
Trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hoặc quyết định áp dụng pháp luật chưa bảo đảm tính chính xác, vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải ban hành văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới văn bản theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp phải kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền được quy định tại Điều 118, Điều 119 và Điều 120 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.