TS. Thái Văn Tài cho biết, sau khi khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ liên quan và làm việc với nhà trường, Tổ công tác cho rằng, thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ. Cụ thể, thứ nhất, việc đánh giá đối với học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay là không xếp loại học sinh. Thứ hai, qua kiểm tra hồ sơ của các em học sinh ở nhà không tham gia lớp học tại các tiết diễn ra Hội thi, rất nhiều em có điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán và Tiếng Việt rất tốt.
Như vậy không có căn cứ để cho rằng, học sinh giỏi được tham gia lớp học, học sinh yếu được cho ở nhà. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, học sinh được đến lớp là hoàn toàn có thật và cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với Ban tổ chức Hội thi. Theo báo cáo của Sở GDĐT Hải Phòng, tại Hội thi lần này, toàn thành phố có 913 giáo viên đủ điều kiện và có nguyện vọng đăng ký dự thi Hội thi cấp Thành phố. Trong thẩm quyền của mình được qui định tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT, Ban tổ chức Hội thi cấp thành phố đã chọn 399 giáo viên, chiếm tỷ lệ hơn 43,70% giáo viên đủ điều kiện và có nguyện vọng đăng ký dự thi.
Được biết, Tổ công tác của Bộ được lập ra không chỉ để kiểm tra những thông tin phản ánh về việc một số trường học của Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu nghỉ học để thi giáo viên giỏi mà còn nằm trong lộ trình kiểm tra của Bộ đối với việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi Thông tư số 21.
Trả lời về kết quả của việc nghiên cứu, rà soát thực tế tại Hải Phòng, TS Thái Văn Tài cho biết, việc nghiên cứu, rà soát các bất cập để sửa đổi Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên được ban hành từ năm 2010 đang được Bộ chỉ đạo thực hiện. Khảo sát thực tế tại cụm thi Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và trao đổi trực tiếp với giáo viên cho thấy, giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT để Hội thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên tham gia dự thi và công tác tổ chức.
Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi.
Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi. Việc sử dụng kết quả của Hội thi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích...
Hiện nay, Bộ GDĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ GD-ĐT sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan. Đồng thời, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.