Trước thực trạng trên, ngày 10/10, Đoàn công tác Bộ Tư pháp do bà Lương Thị Lanh - Phó Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị về vấn đề này tại địa bàn 2 xã A Dơi và A Xing thuộc huyện Hướng Hóa.
Quảng Trị là địa phương có đường biên giới dài hơn 179km giáp với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào), trong đó có 18 xã, thị trấn biên giới.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện ở 2 huyện này còn 314 trường hợp kết hôn không giá thú; di cư tự do có 108 hộ với 520 nhân khẩu. Trong đó, tình trạng di cư tự do tại địa bàn huyện Hướng Hóa thì xã A Dơi là địa phương có số lượng lớn nhất, với 43 hộ/237 khẩu, còn ở huyện Đakrông thì chủ yếu tập trung tại xã A Vao.
Qua điều tra, khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ dân di cư tự do và hôn nhân không giá thú hiện sinh sống ở các xã biên giới Việt - Lào đều rất khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất, việc học tập của con em gặp nhiều trở ngại do thiếu các loại giấy tờ cần thiết… Nhiều gia đình bày tỏ mong muốn được nhập quốc tịch của nước mà mình đang sinh sống, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế…
Theo các ban ngành liên quan thì nguyên nhân di cư trong vùng biên giới tại tỉnh Quảng Trị là do dân cư hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc và tập quán du canh, du cư từ lâu; đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội ở vùng biên của nước Lào còn khó khăn hơn so với vùng biên của Việt Nam; một số địa phương của Việt Nam quá tải về dân số, khó khăn về đất canh tác; một số đối tượng vượt biên, cư trú trái phép nhằm mục đích buôn lậu, khai thác lâm, thổ sản, động vật quý hiếm...; trình độ nhận thức về quốc gia, quốc giới, chủ quyền lãnh thổ còn rất hạn chế; công tác quản lý biên giới còn nhiều khó khăn, bất cập; công tác triển khai, phòng chống, ngăn chặn người di cư tự do, vượt biên trái phép đạt hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, do thực hiện Hiệp định về hoạch định biên giới và Nghị định thư về phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Lào dẫn đến việc dịch chuyển dân cư giữa một số địa phương hai nước, phần lớn người dân trước đây mà Việt Nam bàn giao cho Lào nay muốn quay lại Việt Nam cư trú ổn định, sum họp với dòng tộc và để hưởng các chế độ ưu đãi của Việt Nam.
Buổi làm việc được tổ chức tại hội trường UBND xã A Dơi - địa phương có số lượng di cư tự do và kết hôn không giá thú lớn nhất tỉnh Quảng Trị |
Nói về những khó khăn trong việc xử lý tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các khu vực biên giới, ông Hoàng Kỳ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến thời điểm hiện tại báo cáo số liệu về di cư tự do giữa Đồn Biên phòng quản lý địa bàn và số liệu quản lý của UBND xã không thống nhất. Mặt khác, trên địa bàn từng xã số liệu thống kê giữa công an địa phương và cán bộ Tư pháp cũng có khác biệt, dẫn đến sự sai lệch tương đối lớn.
Tại một số địa bàn khảo sát, phát hiện có một số người Việt Nam di cư sang Lào sinh sống, sau đó quay trở lại Việt Nam nhưng hiện nay trong hồ sơ lưu trữ của địa phương không có nên không thể xác định là người Việt Nam, nhưng cũng không thể đưa vào danh sách người Lào di cư sang Việt Nam. Hơn nữa, nhiều trường hợp đối tượng kết hôn hai bên biên giới chưa đủ tuổi (tảo hôn), UBND xã không cấp giấy chứng nhận kết hôn, nhưng họ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, sau đó sinh con và làm thủ tục khai sinh, cán bộ Tư pháp xã ghi vào giấy khai sinh của những đứa trẻ này thông tin về bố mẹ thiếu chính xác. Ngoài ra, trong quá trình lấy lời khai có một số hộ gia đình khai thiếu trung thực, có người đã lấy vợ lập gia đình ở Lào nhưng về Việt Nam lấy vợ khác, cần xác minh lại nước bạn Lào...
Ông Kỳ cũng thông tin thêm, hồ sơ các hộ di cư ở xã A Dơi đã được UBND tỉnh Quảng Trị trình các cơ quan Trung ương hai nước Việt Nam – Lào xem xét phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Với những khó khăn kể trên thì Quyết định 133/QĐ-TTg ngày 3/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/2/2017 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng Biên giới 2 nước được gia hạn có hiệu lực đến ngày 14/11/2019 khó có thể hoàn thành.
Những người dân ngụ cư này đều mong muốn sớm được nhập quốc tịch Việt Nam |
Sau khi lắng nghe các ý kiến từ địa phương, Phó Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Lương Thị Lanh đề nghị trước mắt tỉnh Quảng Trị cần phải rà soát kĩ và kiểm tra đầy đủ để sớm có số liệu chính xác về các trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú. Còn về vấn đề đăng ký giấy khai sinh, phía Sở Tư pháp cần có ngay một công văn hướng dẫn việc đăng ký khai sinh cho các đối tượng có cha lẫn mẹ là người di cư từ Lào sang vùng biên giới Việt Nam mà không có quốc tịch và hộ khẩu; hoặc trường hợp có bố hoặc mẹ một bên là công dân Việt Nam, một bên là công dân Lào di cư tự do, tất cả những đối tượng này đều không đăng ký kết hôn. Để giải quyết tình trạng này theo bà Lanh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan trong tỉnh và phía nước bạn Lào.