Cần đổi mới công tác giáo dục tình yêu biển đảo

(PLVN) - Việc đổi mới công tác giáo dục học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ nói chung về ý thức, trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có chủ quyền biển đảo là vô cùng quan trọng. 
Giáo dục về chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng
Giáo dục về chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Từ nhiều năm nay, công tác giáo dục tình yêu biển đảo, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã được triển khai sâu rộng trong hệ thống trường học ở các cấp bậc. Qua các hoạt động giáo dục, nhận thức về biển đảo quê hương của thế hệ học sinh, sinh viên đã được nâng cao, từ đó góp phần vào việc tuyên truyền ý thức chủ quyền, độc lập dân tộc. Tuy vậy, công tác giáo dục về biển đảo đối với học sinh, sinh viên vẫn cần phải đổi mới hơn nữa, để có được những kết quả xứng tầm mong đợi. Để đổi mới, tất yếu phải thay đổi quan niệm và cách triển khai thực hiện.

Hiện vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng công tác giáo dục về biển đảo dường như chỉ phù hợp để lồng ghép trong các môn khoa học xã hội như văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân… Đó là cách hiểu sai lầm. Một khi người dạy không ý thức được vai trò của môn học phụ trách trong công tác giáo dục biển đảo thì sẽ rất khó để thực hiện. Kỳ thực, nội dung về biển đảo hoàn toàn có thể đưa vào thiết kế bài giảng đối với các môn khoa học tự nhiên. Sự khác biệt về sinh thái môi trường biển và sinh thái môi trường đất liền là một nội dung kiến thức ví dụ. 

Học sinh tham quan Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bạc Liêu
Học sinh tham quan Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bạc Liêu

Bên cạnh việc đưa nội dung giáo dục về tình yêu, về chủ quyền biển đảo trong khung chương trình giảng dạy chính khoá, cần tăng cường hình thức kiểm tra đánh giá gắn với nội dung biển đảo Tổ quốc. Kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong quá trình dạy và học, vì nó vừa là bước cuối cùng, đồng thời cũng là bước khởi đầu cho một chu trình tiếp nhận kiến thức tiếp theo. Việc tăng cường sự hiện diện của các nội dung liên quan đến biển đảo trong quá trình kiểm tra đánh giá cũng giúp người học nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của nội dung kiến thức này. Thế nên, rất cần bổ sung các câu hỏi đề thi liên quan đến biển đảo vào ngân hàng đề thi. 

Đối với học sinh, sinh viên, ngoài hoạt động học tập chính khoá, các em còn tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Nội dung giáo dục ý thức biển đảo quê hương cần được triển khai ở cả hai hoạt động này. Ở mỗi hình thức hoạt động, đều có nhiều điều kiện giúp tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển đảo. Nhưng thực tế cho thấy, ở hoạt động một, công tác này vẫn còn triển khai chưa hiệu quả. Đây là một hạn chế rất cần được khắc phục.

Đọc thêm