Việc ủy quyền được quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS). Còn theo điểm h khoản 1 Điều 7 Luật THADS, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Người được uỷ quyền có thể là luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hoặc bất kỳ người khác có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện việc ủy quyền. Việc xác lập văn bản ủy quyền, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan về ủy quyền của người được thi hành án sẽ thực hiện theo quy định tại BLDS và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật THADS, bên cạnh cách thức tự mình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án còn có thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án thông qua việc uỷ quyền. Đương sự có quyền ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện.
Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (điểm đ khoản 1 Điều 7 Luật THADS). Theo đó, người được thi hành án có quyền ủy quyền cho luật sư, thừa phát lại hoặc người khác để thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Đối với việc ủy quyền của người phải thi hành án là phạm nhân, khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. ..Pháp luật cũng quy định về trường hợp người phải thi hành án ủy quyền khi xuất cảnh.
Tuy nhiên, Luật THADS không có quy định cụ thể về hình thức uỷ quyền trong THADS nên việc thực hiện còn nhiều vướng mắc. Khi tiếp nhận các văn bản về ủy quyền của đương sự, mỗi cơ quan THADS, mỗi chấp hành viên, công chức thi hành án có những nhận thức và cách thực hiện khác nhau. Còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về hình thức pháp lý của giao dịch ủy quyền; về việc khi nào thì lập giấy ủy quyền và khi nào cần phải lập hợp đồng ủy quyền; thẩm quyền chứng thực giấy ủy quyền, công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền … Do đó, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ văn bản ủy quyền được sử dụng trong THADS là loại văn bản nào, hình thức và cơ quan có thẩm quyền xác nhận văn bản ủy quyền để thống nhất thực hiện
Về việc ủy quyền đối với đương sự là phạm nhân, theo Điều 129 Luật THADS, trường hợp người được thi hành án là phạm nhân uỷ quyền cho người khác nhận tiền, tài sản thì văn bản uỷ quyền phải có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam. Chấp hành viên trả tiền, tài sản cho người được uỷ quyền. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc thực hiện quy định này khá nhiêu khê vì việc xin xác nhận của trại giam vào đơn xin nhận tài sản hoặc giấy ủy quyền gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian tổ chức thi hành án.... Do đó, đa số quan điểm cho rằng đối với việc ủy quyền của phạm nhân cần có phương án đơn giản hơn. Việc xin giấy ủy quyền có xác nhận của trại giam chỉ nên áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị lớn, đối với các tài sản có giá trị nhỏ (ví dụ dưới 2.000.000đ) hoặc các loại giấy tờ thì không nên áp dụng quy định này. Đối với tài sản có giá trị nhỏ, người thân của phạm nhân có thể xin xác nhận của chính quyền địa phương về nhân thân để thay mặt phạm nhân đến nhận tài sản tại cơ quan THADS, điều này cũng sẽ giản tiện bớt thủ tục và tạo thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Thực tiễn cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, tạo sự liên kết, dẫn chiếu chặt chẽ lẫn nhau giữa các quy định của pháp luật THADS và các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác có liên quan… để đương sự thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả quyền của mình trong việc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.