Cần đột phá để tăng tỷ trọng kinh tế số vào GDP

(PLVN) - Tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng lên qua các năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược đề ra đòi hỏi phải có giải pháp đột phá.
Nhiều thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu tỷ lệ KTS trong GDP tối thiểu 20% vào năm 2025. (Ảnh minh họa)
Nhiều thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu tỷ lệ KTS trong GDP tối thiểu 20% vào năm 2025. (Ảnh minh họa)

“Bức tranh” kinh tế số

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS) lần thứ I do Bộ TT&TT đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế TW và UBND tỉnh Nam Định vừa tổ chức cho biết, tỷ trọng KTS trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

5 địa phương có tỷ lệ KTS trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao là Bắc Ninh (56,83%), Thái Nguyên (42,92%), Bắc Giang (42,13%), Hải Phòng (29,48%), Vĩnh Phúc (22,87%), Đà Nẵng (19,78%). Hai “đầu tầu” TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đứng vị trí thứ 6 và thứ 7 với tỷ lệ KTS trong GRDP lần lượt là 18,66% và 17,15%.

Báo cáo thường niên KTS e-Connomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng KTS Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.

Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, “điểm sáng” mới trong phát triển XHS ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh, có thể kể đến như Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.

Cần giải pháp đột phá

Ghi nhận những kết quả tích cực trong bức tranh KTS tại Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh nhận định, thực tiễn phát triển KTS, XHS thời gian qua vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Cụ thể, số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. Những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc bảo đảm quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhận thức, thói quen của người dân còn chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền KTS; Việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn chậm...

“Mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong Chiến lược phát triển KTS và XHS là đến năm 2030 KTS chiếm 30% GDP. Đây là mục tiêu cao và rất thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá để thực hiện…” - Trưởng Ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tính toán: Để đạt mục tiêu KTS trong GDP chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, KTS phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần GDP, tức là 20 - 25%/năm. Theo Bộ trưởng, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới; nguồn lực và lực lượng sản xuất mới cũng như yếu tố sản xuất mới. “Không gian mới chính là KTS; Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; còn động lực mới là đổi mới sáng tạo số…” - Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, phát triển KTS Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; Phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp là Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chiếm 20 - 30% và còn lại 70 - 80% là KTS ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số các ngành. “Chuyển đổi số, phát triển KTS là mới đối với tất cả chúng ta, là mới đối với cả nhân loại. Không ai dám cho mình là người biết tất cả. Vậy học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng nhất…”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.

Đọc thêm