Tạo mọi điều kiện tiếp cận vốn, đất đai
Việt Nam hiện có 5 triệu hộ kinh doanh, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động, đóng góp đến 30% vào GDP, là dòng chảy vô cùng quan trọng của nền kinh tế. Lần đầu tiên, hộ kinh doanh (HKD), DN siêu nhỏ được đề cập đến cụ thể trong một Nghị quyết của Đảng với quan điểm “hỗ trợ thực chất, hiệu quả DN nhỏ, siêu nhỏ và HKD”.
Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW yêu cầu, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; đẩy mạnh số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi HKD sang hoạt động theo mô hình DN. Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với HKD chậm nhất trong năm 2026.
Ngoài ra, cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, thuế, nhân sự, pháp luật cho DN nhỏ, siêu nhỏ, HKD, cá nhân kinh doanh; Đồng thời có cơ chế kết nối thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan để có thể đánh giá tình hình mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của DN, trên cơ sở đó tăng cường cho vay đối với DN nhỏ và vừa, HKD. Bên cạnh đó, còn rất nhiều cơ chế hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, bảo đảm tất cả các đối tượng DN đều có “bệ phóng” để lớn hơn mình hiện tại.
Bà Đoàn Lương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương cho biết, các chính sách mới được nêu trong Nghị quyết 68 và được cụ thể hóa qua kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn và giúp ích rất nhiều cho các DN. Đầu tiên phải kể đến là chính sách về miễn giảm thuế thu nhập DN. Đây là điều hết sức ý nghĩa và quan trọng giúp cho các DN giảm được chi phí vận hành, bởi quá trình đầu tư kinh doanh phải mất một thời gian mới đạt được điểm hoà vốn. Điều này khuyến khích DN đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tạo động lực tăng năng suất, phát triển công nghệ lõi.
Bên cạnh đó, chính sách miễn giảm hoặc gia hạn tiền thuê đất được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng chi phí cố định, tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp có trụ sở làm việc, nhà xưởng; Ưu tiên tiếp cận đất tại các khu công nghiệp, giúp DN có môi trường làm việc hiện đại, thuận lợi cho kết nối - hợp tác; đồng thời có cơ hội tiếp cận được các nguồn vốn, các chính sách tín dụng, giúp DN vốn yếu dễ dàng vay vốn để phát triển, mở rộng quy mô; Việc đơn giản hoá thủ tục, giúp cho DN tập trung để mở rộng thị trường, tập trung phát triển sản phẩm…
Ông Nguyễn Văn Huỳnh - Chủ Tịch HĐQT HTX Huỳnh Phát cũng cảm thấy vô cùng phấn khởi với các chính sách mà Đảng, Nhà nước dành cho các đối tượng DN nhỏ, siêu nhỏ. Trong đó, chính sách miễn, giảm thuế đất là một chính sách thiết thực và kịp thời. Bởi lẽ, với các DN nhỏ và khởi nghiệp, chi phí thuê đất, nhất là tại các khu công nghệ cao luôn là rào cản lớn. Việc được hỗ trợ về thuế đất sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện tiếp cận hạ tầng sản xuất và tập trung nhiều hơn vào đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm.
“Chính sách này không chỉ hỗ trợ DN tồn tại và phát triển, mà còn thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân - lực lượng quan trọng trong đổi mới và tăng trưởng kinh tế hiện nay. Tôi cũng mong rằng, cùng với ưu đãi về thuế đất, sẽ có thêm các chính sách đồng bộ khác như: hỗ trợ tiếp cận vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để DN thực sự có điều kiện phát triển bền vững” - ông Nguyễn Văn Huỳnh bày tỏ.
Cần triển khai quyết liệt, rõ ràng và minh bạch
Nhắc lại những khó khăn mà đội ngũ DN nhỏ, siêu nhỏ gặp phải trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước trong khởi sự kinh doanh, ông Nguyễn Văn Huỳnh chia sẻ: “Trước đây, các DN nhỏ như chúng tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí thuê đất cao trong khi nguồn lực còn hạn chế khiến chúng tôi không thể mở rộng sản xuất, càng không dám đầu tư vào các mô hình công nghệ cao hay sáng tạo mới. Có ý tưởng nhưng không có điều kiện triển khai, có nhu cầu phát triển nhưng thiếu nền tảng hạ tầng”.
![]() |
Thậm chí, nhiều lúc ông Huỳnh “cảm thấy DN như bị “trói tay”, rất bị động và hụt hơi trong quá trình cạnh tranh”. Chính những rào cản này đã phần nào làm chậm lại tốc độ phát triển, làm mất đi nhiều cơ hội của DN tư nhân, đặc biệt là những DN còn non trẻ. Bà Đoàn Lương cũng cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn bởi lãi suất cao, thủ tục rườm rà, phức tạp.
Hiện, các DN nhỏ, siêu nhỏ đều đánh giá, chính sách đã có nhưng để đi vào thực tiễn là không hề đơn giản. Bà Đoàn Lương cho rằng, để các cơ chế, chính sách phát huy sức mạnh đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng hành giữa nhà nước và DN. Các DN cũng cần chủ động tiếp cận nhanh, chính xác và kịp thời các chính sách ưu đãi, những thông tin hữu ích từ các văn bản pháp luật mới được ban hành, những chương trình hỗ trợ từ Nhà nước, từ các hiệp hội…
Đồng thời, bản thân DN cần tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực quản trị và pháp lý cho chủ DN cũng như kế toán - tài chính để có thể cập nhật nhanh những chính sách ưu đãi dành cho DN; Chuẩn hoá hồ sơ, sổ sách kế toán, dữ liệu hoạt động; Tham gia các hội thảo, diễn đàn, các chương trình đối thoại giữa Nhà nước và DN và luôn trong trạng thái chủ động về năng lực cũng như chuyên môn.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh cũng chia sẻ, điều quan trọng để hiện thực hóa những cơ chế, chính sách hỗ trợ mà Nghị quyết 68 đã đưa ra là, cần phải có sự triển khai quyết liệt, rõ ràng và minh bạch từ các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, cần lắng nghe DN nhiều hơn, tháo gỡ vướng mắc kịp thời và tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
“Chính sách có tốt đến đâu mà triển khai chậm, thiếu đồng bộ thì cũng khó phát huy hiệu quả. Về phía DN, chúng tôi sẽ chủ động cập nhật thông tin, tích cực kết nối với các cơ quan chức năng và quan trọng nhất là minh bạch, nghiêm túc trong quá trình tiếp cận chính sách. DN không thể chờ chính sách đến, mà phải tìm cách tiếp cận đúng, hiểu đúng và thực hiện đúng, để tận dụng hiệu quả những hỗ trợ quý báu từ Nhà nước” - ông Huỳnh nói.
Bà Lê Dung - Viện trưởng Viện Doanh trí (đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983) cho rằng, chính sách thúc đẩy HKD chuyển đổi thành DN là đúng hướng, nhưng cần đi kèm sự đồng hành thực chất từ Nhà nước và các tổ chức trung gian như hiệp hội, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Dung đưa ra gợi ý để có thể thực hiện hiệu quả trong giai đoạn chuyển đổi. Cụ thể, cần thiết kế hiệu quả giai đoạn chuyển tiếp hợp lý với các chính sách mà Nhà nước vừa dành cho đối tượng này như miễn giảm thuế 3 năm đầu sau chuyển đổi để họ có thời gian làm quen và tích lũy nội lực; Giảm chi phí tuân thủ ban đầu thông qua cung cấp dịch vụ kế toán, pháp lý cơ bản miễn phí hoặc giá rẻ từ sự phối hợp của các tổ chức công - tư…
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nhiều HKD vẫn chưa đánh giá được sự ưu việt khi thực hiện chuyển đổi từ HKD thành DN. Trước mắt, chắc chắn không ít cá nhân, HKD sẽ cho rằng thủ tục nhiều hơn, pháp lý phức tạp hơn nếu chuyển đổi thành DN so với trước đây. Do đó, cần một quá trình truyền thông thay đổi nhận thức cho HDK về mô hình “có tính thừa kế” của DN, khác hẳn với mô hình HKD hiện nay. Theo đó, các chuyên gia lưu ý, HKD khác với DN tư nhân. Bởi, DN tư nhân do một cá nhân đứng ra đăng ký, là mô hình kinh doanh ít rủi ro và có thể thừa kế. Khi có rủi ro xảy ra với chủ DN thì DN vẫn có thể tiếp tục giao dịch mà không phát sinh chi phí. Trong khi đó, cá nhân, HKD sẽ gắn chặt với một người, nếu người này gặp rủi ro thì sẽ không thừa kế được.
Bà Lê Dung - Viện trưởng Viện Doanh trí (trực thuộc Hội Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - ASEAN): Cần nhân lên điển hình những hộ kinh doanh "dám lớn"
Kinh tế tư nhân muốn trở thành động lực quan trọng của đất nước đồng nghĩa với việc cần một hệ sinh thái hỗ trợ đa tầng, với sự đồng hành của Nhà nước, tổ chức trung gian, viện nghiên cứu và cộng đồng DN. Chúng ta cần kiến tạo một môi trường kinh doanh nhân văn, minh bạch, bền vững và tạo niềm tin dài hạn, để không chỉ có nhiều DN lớn lên, mà còn đồng thời đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển vững mạnh cùng đất nước.
Tuy nhiên, nếu không quan tâm đến nâng cao năng lực lãnh đạo, chiến lược, quản trị rủi ro, thì DN tư nhân rất dễ “tụt lại” dù có nguồn lực, thị trường tốt. Do đó, cần có chính sách khuyến khích liên kết DN tư nhân với viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
(Còn nữa)