Trong đó, điểm mà dư luận quan tâm là làm thế nào để kết quả từ hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng này đi vào cuộc sống, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội (QH).
Hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng
Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu (ĐB) dân cử với cử tri, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Hoạt động này được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa tại Luật Tổ chức QH năm 2014, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 cũng như Nội quy kỳ họp QH. Vì vậy, chất vấn có vai trò rất lớn, tác động mạnh mẽ đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của QH.
Từ nhiệm kỳ QH khóa IX đến nay, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có những chuyển biến đáng kể, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước. Điều dễ nhận thấy là từ Kỳ họp thứ 3, QH khóa IX, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã quyết định cho phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp toàn thể của QH về chất vấn và trả lời chất vấn. Những chuyển biến quan trọng đó đã tạo tiền đề cho sự thay đổi về diện mạo trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn...
Tiếp nối hiệu quả của hoạt động chất vấn thời gian qua, theo chương trình Phiên họp thứ 36 tới đây, UBTVQH sẽ dành 1,5 ngày (ngày 21 - 22/8) để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết năm 2023.
Nội dung chất vấn dự kiến tập trung vào 2 nhóm lĩnh vực: Nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, tài nguyên và môi trường, văn hóa, thể thao và du lịch với thời lượng khoảng 190 phút; Nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát với thời lượng khoảng 250 phút.
Chuẩn bị từ sớm, từ xa cho hoạt động chất vấn tại Phiên họp thường vụ thứ 36
Chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp UBTVQH thứ 36, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ, mỗi kỳ họp QH đều dành khoảng 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi tiến hành phiên chất vấn chính thức, Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH và Chính phủ đều tổ chức rà soát các công việc chuẩn bị trên tinh thần “chúng ta chuẩn bị trước một bước, chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa thì phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra”.
Tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Còn với phiên chất vấn sắp tới, Chủ tịch QH nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ QH khóa XV, UBTVQH tiến hành xem xét, kết hợp với chất vấn việc thực hiện của các cơ quan đối với các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Đây cũng là dịp để kiểm điểm lại công việc chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn. Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động chất vấn, Chủ tịch QH nêu rõ, qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và Nhân dân sẽ đánh giá năng lực của các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành.
Chia sẻ về vai trò của hoạt động chất vấn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng quan niệm, chất vấn không phải thuần túy truy cứu trách nhiệm của Bộ trưởng, mà qua đây các ĐB phát huy trí tuệ, đóng góp sáng kiến của mình vào việc xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc. ĐB Dũng kỳ vọng, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có nhiều sáng kiến hơn của các ĐB, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, đa số các ĐB mong muốn phần trả lời cũng là lời hứa của Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ thực hiện sau chất vấn. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến: “Sự mong muốn của cử tri nói chung và của ĐB nói riêng là muốn giải quyết vấn đề thấu đáo. Vì vậy, sau khi hỏi vẫn tiếp tục chất vấn, tiếp tục tranh luận để làm rõ vấn đề và điều đó cần khuyến khích vì giữa người hỏi và người trả lời, giữa người tranh luận và người trả lời tranh luận cũng rất cởi mở, thẳng thắn, thể hiện rõ vai trò, rõ trách nhiệm. Điều quan trọng là nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được giải quyết như thế nào, kết quả của vấn đề sẽ mang đến lợi ích chính đáng hợp pháp nào cho người dân”.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, trong năm 2025, QH tiếp tục xem xét việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và giám sát chuyên đề để đánh giá sự chuyển biến sau chất vấn và giám sát chuyên đề. Đây là hình thức tái giám sát mang lại hiệu quả cao và là cơ sở quan trọng giúp cho các ĐBQH đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát, về chất vấn, và các lời hứa của các thành viên Chính phủ. “Do vậy, kiến nghị vẫn tiếp tục các hoạt động tái giám sát và phải coi đây là một hoạt động thường niên...”, ĐB Nga đề xuất.