Cần xử nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu đề nghị có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm, những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Sáng 10/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Qua thảo luận, đa số các đại biểu (ĐB) QH bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật đã cơ bản tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với tất cả các nền tảng truyền hình trực tuyến, các trang tin tức, trang thông tin điện tử. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm, những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.

ĐB Thu cũng đề nghị, bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay.

Quan tâm đến các quy định liên quan đến quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định về quản lý Nhà nước đối với kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng, nhằm thể hiện tính cấp thiết đối với lĩnh vực quảng cáo này. Theo ĐB, môi trường mạng, mạng xã hội và các nền tảng số xuyên biên giới dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho việc tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới và trên nền tảng số. Tuy nhiên, một số quy định chưa bảo đảm cụ thể và khả thi nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả đối với lĩnh vực quảng cáo này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của QH Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), tiếp thu ý kiến ĐBQH góp ý tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Riêng về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, một số ý kiến cho rằng Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nhiều ý kiến góp ý về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15a gồm 3 khoản như sau: khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; khoản 3 quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Đọc thêm